Remaining

 

Did I die deep for your eyes?
Did I die deep for every smile
That you wore on your face?

Then I look back into the past
Finding a girl along her innocence;
Where she was running, on the field;
Where she was bathing, on the river bank.
Here you are, when you were young;
There you grow old as the long time comes.
Hearts, born, beat, gone, lost with their names.
Whales, breath, swim, never fly, keep silent in their throats.
Beauty’s still, in the cache of my feelings.
What’s about now? Rain drops. Wet all.
Make me wait like a sailing ship
On the Frankenstein’s loveroute.

 

ROSETTA, 219

 

Những tấm bia mộ đen trùi lũi, nhấp nhô cập kênh kỳ dị trên nền đất trắng xóa. Gió lạnh buốt ngang tàn thổi rít. Tuyết rơi ráo riết, bám trĩu trên cành tuyết tùng xương xẩu. Những bụi thông hụt hẫng ẩn mình sâu hun hút vào bóng tối. Tôi ở đó, bước qua cánh cổng vòm, ngay chính dưới bức tượng phù điêu hình chim mỏ ác. Có một quá khứ cần phải được gỡ bỏ tại chốn này. Một nấm mồ. Một bộ xương đã hóa đá. Một linh hồn quanh quẩn.

Lạc rồi. Ngõ nhỏ và tối tăm. Dù bình minh đang lên. Bầu trời xanh xám trở lại. Những ô cửa sổ vang ánh đèn dầu chập chờ đưa đẩy vàng khè cả kính. Tôi thấy máu mình chảy từng dòng xuống cằm, nhỏ giọt tong tỏng xuống từng viên đá cuội trải đường loáng bóng nước. Đen thẫm. Nhầy nhụa. Tôi thở dốc. Hớp lấy đám sương mù do việc thở gây nên vào bụng. Rồi nhả một đám khác ra từ buồng phổi. Mặn. Chát. Thất bại. Chạy trốn. Choáng váng. Con người ta. Sẽ làm gì đây nhỉ? Chạy lại đoạn phim đã rồi. Khi đôi mắt vẫn còn run rẩy và đôi tay vẫn còn cái cảm giác kinh tởm nhất mà Chúa hằng xếp đặt sẵn trong tiềm thức của mỗi con người.

Tôi dừng lại trước số nhà 219. Nó đã cũ kỹ đi rất nhiều. Cánh cửa bết màu da gà thối rữa. Ba bậc cấp gãy vụn bởi rêu và cỏ dại. Thứ tay vịn bằng sắt cây vẫn điềm tĩnh ở đó, bên trái. Nhưng lại bị khóm hồng bỏ hoang ngay bên cạnh chăng chít cành leo bám lấy. Chúng trông khô khốc, gai góc, đầy sẹo, cả han gỉ nữa. Bên phải là những chậu cây đổ nát. Đất vẫn còn trong chậu, khô cằn đến nỗi bật cả nền rêu lên, còn thịt đất bên dưới thi nhau nứt toác. Cây cối có lẽ không được trồng ở đấy, hoặc nếu có thì hẳn là chúng đã tan chảy bởi ánh mắt trời rồi bốc hơi mất. Không, đất trong chậu phẳng lì. Những vết lồi lõm có lẽ do vài cơn mưa rào hiếm hoi rơi xuống. Tôi còn nhớ, ở bên phải này, hồi xưa là một bồn nước róc rách, cao cỡ một mét. Nhỏ thôi. Chắc được một vòng tay ôm. Ngay giữa bồn nước hình tròn có một chỏm xi-măng, vừa vặn với hai ngón chân ở bên cẳng trái của một bức tượng khắc họa một nàng vũ nữ ba-lê đang đứng trong tư thế quay vòng. Giờ thì chẳng còn dấu vết gì của cái vẻ đẹp ấy nữa. Nó cũng đã biến mất như một làn hơi nước.

Con số 219 được đẽo gọt rất mỹ mãn trên lưng cánh cửa gỗ bơ phờ; những nét cong tròn khi thanh khi đậm, và đuôi mỗi chữ số đều được vuốt nhọn rất tinh tế. Tôi nhìn hàng số trên cánh cửa chằm chặp liên hồi. Kiểu bị thôi miên. Trái tim hối thúc tôi chạy lên đó, vặn tay nắm, mở cửa bước vào trong, đến ngay chỗ chân cầu thang dẫn lên tầng hai, bên bức tường bên tay trái, có một khung cửa nữa, mở lối vào căn phòng nhỏ, được dùng làm phòng trà, với cửa sổ nhìn ra một góc vườn sau, nơi có khoảnh tulip vuông vắn và hai luống cải xoong trải dài khoảng năm bộ chân. Ấy là khi chủ nhân của chúng còn thịnh vượng, yên ấm và vẫn mang vẻ tài hoa lỗi lạc. Còn thì lúc này, khi đã chấp nhận cảnh vật ở mặt ngoài, tôi không có gì phải băn khoăn trong việc nghĩ rằng khu vườn nhiều màu sắc và đầy những tiện nghi, tiện ích nho nhỏ đằng sau cũng sẽ không còn. Cả căn phòng nhỏ thơm phức mùi trà hoa nữ giờ đây không biết sẽ bám bao nhiêu lớp bụi lên mình; những mảng giấy dán tường với họa tiết là những nhành nguyệt quế chắc đã mủn và bong tróc đi ít nhiều. Một màu bùn nhuốm lên tất cả tâm trí, khiến lòng tôi nhộn nhạo pha lẫn nỗi hồi hộp thầm kín.

Không, tôi không nghĩ điều đấy có thể xảy ra.

Nó là vật được cho là quý giá nhất trong ngôi nhà, dù bình thường không được coi sóc cẩn thận lắm. Nhưng nó luôn nằm đó, trên chiếc kệ nhỏ đặt trong phòng trà ở phía tường giáp với cầu thang. Nó luôn thu hút mọi ánh mắt nhìn, lúc người ta ngồi xuống ghế hay đứng bên cửa sổ, với cốc trà là là hơi khói và tỏa ra thứ hương vị đang hàm muốn phỉnh nịnh cánh mũi. Nó là một cuốn sách, bìa được làm từ da bò thuộc nửa vời, có dây da, cũng cùng chất liệu với bìa, được gia công thêm khuy bấm bằng đồng, dùng để buộc mặt bìa sau với mặt bìa trước. Những đường chỉ khâu tỉ mỉ và đồng điệu với nhau, tạo nên thứ âm hưởng ngay ngắn, điềm tĩnh lan truyền đến mọi ngóc ngách trong tâm hồn tôi ngay khi tôi chỉ vừa mới cầm nó trên tay. Tôi thấy ngay nó là cuốn sách có sức mạnh tinh thần phi thường đối với bản thân mình. Tôi muốn cướp lấy nó. Nhưng nhanh chóng nhận ra vị thế của một người khách. Tôi đặt trả nó xuống mặt kệ. Gieo sự chú ý sang tiếng chim hót bên mé rào ngoài vườn.

Chục năm trôi qua chóng vánh. Đã có những cái chết, xảy ra lặng lẽ có, ồn ào có. Con người có, chó có, mèo có, chim muông có. Các hồn ma của muôn loài từ bấy đến nay đã thôi quyến luyến xôm tụ một chỗ, chúng dần tản theo chín hướng, biết mất vào những thế giới rất riêng của mình. Chỉ còn tôi vẫn nấn ná, luôn nhủ thầm với bản thân rằng chưa đến lúc. Tôi có nhiệm vụ phải đi tìm và tận diệt bằng hết những sinh linh bị nguyền rủa, cho dù là nắm xương tàn – tôi sẽ đến và đun chảy tro cốt trong chiếc bình chứa dịch dạ dày của quỷ đế, hay một đứa bé mới chào sinh – tôi sẽ bóp nát trái tim mềm yếu của nó nơi bàn tay phải, nơi trước đây từng là mồi ngon cho hàm răng đầy nanh của một con dã thú, vết cắn và nghiến của nó đã để lại một đường sẹo tởm lợm, hoàn toàn ngẫu nhiên lại mang hình hài của ký hiệu Điểm Cuối tà ác. Nhiệm vụ ảm đạm đó chưa bao giờ kết thúc, cũng chưa bao giờ gián đoạn. Tôi lãng quên mất tuổi tác của mình, lãng quên luôn cả sinh mệnh – mà điều đó có quan trọng gì; thần chết cũng là một sinh linh bị nguyền rủa, nếu hắn có đến đây, hắn sẽ có cơ hội để đoán mò tuổi thật của tôi; nếu hắn trả lời sai – không đúng với mong muốn nào đấy mà tôi nung nấu, sự sống của hắn chắc chắn sẽ trở nên nghẹt thở hơn lúc nào hết.

Tôi đang khoác áo măng-tô loại vải khaki mang màu sắc của đụn cát sa mạc khi mặt trời vừa ngắt sáng, đội mũ vành đen bọc nhung mềm. Túi áo bên phải ngồn ngộn và ấm nóng, ống quần dạ óng lên lấp loáng thứ nước sền sệt loang xuống theo những đường chảy rỉ từ bên trong túi, vốn đã thấm đẫm cả một vạt đuôi áo. Tay bên trái tôi cầm một chiếc chìa khóa lẻ loi, gỉ sét đôi chỗ, những chỗ khác thì sần sùi khiến tôi tưởng thứ nằm gọn trong những ngón tay run rẩy của mình hiện giờ chỉ là miếng đá nhỏ. Trông nó chẳng có vẻ gì là sẽ tra được vào lỗ khóa của căn nhà số 219 kia cả, sau bao nhiêu năm như thế. Căn nhà, hỡi ôi, đã bị nguyền rủa. Bởi một bọn hắc ám xảo quyệt. Chúng muốn kết thúc tôi. Chúng biết thẳm sâu trong ý thức, tôi mong muốn có được cuốn sách kia theo lối quyết liệt đến nhường nào. Tôi sẽ không đời nào phá hủy căn nhà mà vẫn để quyển sách diệu kỳ kia nằm im lìm đấy. Vừa hay tin tôi đã vội đến ngay, dù dở dang nhiệm vụ trước đó. Vậy mà không kịp. Bọn chúng đã hoàn thành xong sứ mệnh thần tốc không tưởng. Mà lại còn vô cùng trọn vẹn. Không chút thừa thãi.

Tôi đứng bối rối. Trước niềm tin kiên định chết chóc dành cho số phận mình. Như giống loài người, tuy tôi thực hiện công việc cũng theo tính chất vẹn nguyên và gọn gàng các mục tiêu; nhưng thực sự ở vài thời điểm, tôi vẫn thấy yếu lòng, thỉnh thoảng vẫn nhỏ những giọt nước mắt gần như vô nghĩa. Rồi tôi để sổng các con mồi. Trao cho chúng những cơ hội sinh sôi, phát triển và hành động không bị kềm tỏa. Cứ nghe một tội ác man rợ nào đó đang hoành hành, tôi lại tự nguyền rủa bản thân đã ra tay không dứt khoát. Nhưng hẳn là tôi không có pháp lực nguyền rủa. Cái chết không đến cùng lời trù ếm đã định là minh chứng lớn lao nhất. Thực ra, có một lối khác, hiềm vạn nguy hiểm và đau đớn: tôi không thể bị kẻ thù buông những lời ám nguyền trực tiếp, nhưng sẽ để lọt lưới chúng khi bản thân chủ kiến cam chịu một sinh linh bị nguyền rủa nào đấy thay vì nhiệm vụ hàng đầu là tiêu diệt nó. Mọi sự hối thúc đổ dồn mau chóng, khiến tôi phải guồng đôi chân. Dù là gì, thì tôi cũng đã được dạy là không được trễ nải bất cứ tích tắc nào trong việc quyết định. Một tích tắc ngần ngừ cũng đủ giết chết tất cả các cơ hội mà sự khôn ngoan ban cho đầu óc. Vì thế mà tôi chạy. Như mũi tên vừa phóng.

Gió lướt ngang qua mấy hồi. Bầu trời rơi vào thế chạng vạng. Tôi thấy cuốn sách rơi khỏi tay mình đánh một tiếng phập trên lối hè. Tôi biến thành một thứ ảo ảnh loang loáng, nhờ nhợt tan dần tới trong suốt, và rồi mất hẳn vào cõi vô hình. Sự thể kết thúc mau chóng. Tôi còn không được phép trải qua kiếp ma nữa, mà phải đi đến Điểm Cuối ngay tắp lự. Không phải hướng thứ bốn, hướng thứ bảy – có một sự thỏa thuận bẩn thỉu gì đó đã diễn ra giữa lời nguyền và tay sứ giả chết chóc nấp đằng sau, tay đó còn không mang theo lưỡi hái cho đúng với nghi thức tiêu chuẩn; tôi phải hướng theo con đường thứ bảy để trở về Ngôi Nhà Chung qua Điểm Cuối. Tôi sẽ bị đày ải đến xứ Mác một thời gian, và hơn nữa còn bị buộc quên sạch tất cả ngay khi tới được Điểm Cuối. Đó là chốt chặn thù địch; tại đây, người ta không cho phép linh hồn ai đi theo hướng thứ bảy được lưu giữ bất cứ điều gì, dù chỉ nhỏ li ti cỡ hạt bụi, trong ký ức vào Ngôi Nhà Chung để làm tiền đề cho kiếp sau, mọi thứ, cả cái hàng chữ vàng lợt dập chìm bên ngoài bìa da sờn mốc của cuốn sách đó: ROSETTA.

 

NKHT32 – Khúc đua tử thần

..Rosetta bằng cách nào đó đã khiến tôi luôn nhớ đến nụ cười vành trăng của nàng.

 

Và thêm đôi mắt thuộc về biển cả của em nữa chứ. Đôi mắt hình cá voi đang bơi khoan thai sâu tít trong lòng đại dương bí ẩn. Đôi mắt làm tim tôi nhiều lần phải nuốt ực nhè nhẹ. Chúng khiến tôi yêu.. Đến nỗi tôi không biết là bản thân mình yêu cái gì nữa. Yêu chỉ đôi mắt ấy. Hay yêu cả em luôn nữa rồi.

(Có thể là cả em.) Vì lẽ rằng tôi đang nhớ em một cách vô cùng thảm thiết lúc này.

Ôi buồn cười quá. Tôi đang đi xe đạp, mà cười đến nỗi xóc nảy cả ổ gà chứ không phải là nảy cả yên xe như mọi lần. Tôi yêu em ư. Vậy mà sao khi hé môi để thì thầm một cái tên, tôi vẫn cứ gọi Valentina. Rất nhiều, rất nhẹ, rất khẽ. Có những bà chúa gió chứng kiến, tôi không biết phải làm sao nữa. Thế là tôi quyết tâm phải làm gì đó. Phải làm gì ư? Phải yêu cho bằng được em chứ sao. Quyết tâm phải gọi được tên em trong cõi vô thức. Nó khá trắc trở. Lòng quyết tâm của tôi ấy. Hoặc là do tôi không biết cách gọi tên em như thế nào cho đúng. Tôi đổ môi hôi trên những đoạn đường thẳng tắp và êm ro đôi lốp; guồng chân lạc lõng, cô liêu trong bóng tối đầy những xác ve. Để rồi tại vài cái khúc cua nào đấy, tôi vẫn gọi tên Valentina. Tôi lặng im, chừng vài giây, nén hơi rồi thở hắt. Tôi rủa Chúa cùng các đấng tôn nghi. Tôi nói ra tên em sau cùng của tất cả mọi thứ. Như một cách để chuộc lỗi. Nó khiến tôi trống rỗng và chẳng còn suy nghĩ cò cưa nào dưới mớ tóc. Tôi chẳng nhận ra có một điều gì đó khác lạ đã xảy ra. Tôi chỉ thất vọng về bản thân mình. Hay chính xác hơn là cái đầu của tôi ý.

Gió rít qua cặp tai nghe, khi tiếng nhạc vừa dứt, khiến tim tôi bồn chồn. Muse với bản symphony nào đấy; hầu như chỉ có tiếng của nhạc cụ. Nó du dương, sâu lắng và bất tận tới độ khi kết thúc thì biến mất vào trong gió không chút tì vết; mà tôi hoàn toàn chẳng có một chút khái niệm gì.

Tôi lạc mất tay lái ở một đoạn cua với độ tròn lý tưởng; tông ghi-đông vào hàng lan can rào ngay mé nước. Những ngón tay phải tê rần vì bị kẹt giữa tay nắm và thanh lan can bằng sắt. Tôi đã bóp cả hai phanh trước đó tận hai mươi lăm xăng-ti-mét, nhưng tốc độ mà tôi có được lúc đấy đủ để trượt chiếc xe đi một đoạn còn dài hơn thế nữa nhiều. Đau thật. Da tại những vết hằn tím tái trên ngón út, áp út và ngón giữa sởn mấy lớp lên. Tôi đành nhe răng cười méo trẹo, thực chất là để xuýt xoa những tín hiệu đau đớn vây bủa hết các thớ dây thần kinh nơi cánh tay. Mà ở chỗ này nhìn ra hồ Tây tuyệt thật. Mặt nước mênh mông, còn khung trời thì bát ngát. Đôi mắt tôi bắt nhịp với cái đẹp nhanh hơn hẳn so với việc phát hiện có mối nguy hiểm đe dọa ngay tầm. Có lẽ tôi nên thuộc về một nơi nào đó chất đầy sự hoang sơ. Tôi nghĩ đến việc chuyển cuộc sống của mình rời xa Hà Nội. Chẳng phải một, hai lần tôi lôi cái vấn đề này ra đàm đạo với chính bản thân mình. Thời gian càng trôi đi – năm, tháng, ngày – tôi càng cảm thấy mình nên kết thúc sự đời tại phương chốn khác. Tôi nhìn thấy mình ngồi nghỉ tại một mỏm đá, khá nhiều rêu và cỏ mòng xung quanh; cánh áo đã sờn cũ, rách toạc mấy chỗ; đó là chiếc áo với hàng khuy bấm đã han gỉ, phôi sắt nâu xỉn bợt ra bám xung quang những nốt cúc tròn đen đúa. Rừng cây rì rào báo bão ngay phía dưới mép thung lũng. Bên đằng chân trời, mặt trời đã lặn hồi lâu, bỏ lại những dải mây sậm tím; chúng bảo bọc tầng lớp với nhau, ngăn cách ánh nắng chiếu xuyên qua bầu khí quyển ngược vào vũ trụ. Hơi đất xung quanh tôi bốc lên, mang theo cát và mùi rễ cây lục lăng. Bóng tối mau chóng ùa ra, cướp lấy mọi khoảng trống. Nó sà xuống nơi thấp nhất trước, nuốt chửng khu rừng, đánh thức tà ma quỷ ác; đuổi bắt muông thú vào tận hang sâu, đầu độc những khe nước róc rách luồn dưới mấy thân cây gỗ đổ khô sụ, kềnh càng. Sắc trời vần vũ bởi các đường chớp nhấn nhá sọc xiên, âm ỉ mối họa khôn lường. Đôi tai tôi không phải chờ lâu, đã có tiếng ào ào từ xa vọng đến réo rắt khắp màng nhĩ. Tiếng rơi của những hột mưa rền rã bập bập suốt một chặng đường dài, sột soạt giở tung từng viên đá khỏi rìa đất mấp mô đằng kia. Sỏi nhảy lách tách như điên. Chẳng mấy chốc, tôi chìm sũng trong mưa. Tan chảy. Thành một khối bùn nhão nhớt.

Tôi nhớ lại ngày trước, khoảng thời gian mà tôi hoàn toàn sẵn sàng bỏ mọi thứ ở lại và ra đi, cái thời kỳ đen tối thảm hại của tinh thần. Tôi chỉ có một đốm sáng nhỏ nhoi lúc ấy là Valentina để con tim hướng về. Nhưng nàng chỉ khiến tôi yêu đời thêm chút chút mà thôi. Tôi vẫn bỏ quách Hà Nội sang bên, gắn thứ tự do tiều tụy lên đôi chân, bước những bước đi khản đặc họng, tới những nơi xa vời, những nơi mình chưa bao giờ bén mảng đến dù là ở trong đầu. Nhưng nó cũng chỉ là một chút chút tô điểm cho cái tôi hão huyền to như cục nợ một tỷ yên. Sau một tuần lấm lem đất và hơi sương, tôi trở về, mở tủ lạnh và hớp những bịch sữa mát lành, ngủ yên trên giường ấm, thay những bộ quần áo tươm tất, lại rong chơi và ăn bữa tối muộn. Tôi lo lắng cho Valentina thật sự. Dù thế, không hẳn là trăm phần trăm vì lý do ấy mà tôi thất bại trong công cuộc đào thoát khỏi số nợ tỷ yên kia. Có thể chính bởi quá lo lắng cho Valentina mà tôi quên mất cái lý do nổi cộm khiến tôi thất bại ê chề là gì. Rốt cuộc, mọi sự thừa thãi đều gây ảnh hưởng không tốt. Valentina không phải một đứa trẻ như tôi, nàng thản nhiên bước qua cánh cửa mà tôi e sợ, và trang hoàng cuộc đời bằng những bông hoa. Vậy mà tôi đã làm gì với cuộc đời của mình. Tôi làm hàng rào kẽm gai. Tôi còn quên khuấy những đóa trà ở khu vườn, thứ đẹp đẽ duy nhất tôi đã xoay sở để có được. Chúng thui thủi một góc, với mầm nụ úa khô như búp chè đã sao.

Tôi không nghĩ rằng trí óc mình lưu giữ được nhiều thứ lâu đến thế. Mà tất cả những thứ đó lại được tua lại đúng lúc chẳng thể nào ngờ nhất. Tôi vừa thoát khỏi một cú đâm (cũng vài phần) khốc liệt và tâm hồn còn đang treo ngược tận bên kia hồ. Tôi gọi tên Rosetta, nhổm lên xe, tiếp tục căng chân nhồi khuôn lực khi kéo khi đẩy vào đôi bàn đạp. Xích truyền động êm ru trên vòng líp trước-hai-sau-bảy. Quán xá rộ sáng đèn. Tiếng nói cười chen chúc. Hòa tan hết thảy các nỗi nhớ mong. Vầng trăng nhoẻn cười. Sóng nước lớp lang đưa vỗ bờ kè. Tôi có nhận ra một điều gì đó khác lạ đã xảy ra không ư? Đến lúc này tự tôi hẳn là đã biết.

 

Hếk

My Nokia Lumia 720's lockscreen

Nếu có điều gì không đổi khi nàng lớn lên. Thì đó chính là nụ cười vành trăng và đôi mắt thuộc về biển cả. Tôi cám ơn nàng vì đã không làm tôi kinh sợ. Hay phải mủi lòng. Như bao đứa con gái khác. Khi chúng biến đổi thể trạng và tâm lý. Nàng thì thầm trong lùm cỏ lún phún trổ đòng, khi gió hè dịu mát. Nhắm mắt tin hít khi nhẩy một chú bọ rùa lên cánh tay. Để rồi nhe răng toen hoét khoe chiến tích với cái đứa đang ngẩn mắt với đám váy xòe màu phấn nhạt là tôi. Tôi không hiểu sao nàng thích bọ rùa đến thế. Nàng là cô gái của biển cả cơ mà. Nàng nên leo lên cái cầu trượt ở đằng kia và trượt ào xuống bãi cát láng mịn, nơi chúng tôi có thể tắm nắng cho bộ quần áo và váy áo cho chúng đen nhẻm đi và mẹ chúng tôi sẽ phải bôi kem mỡ gì đó cho tụi nó trước khi đem đi giặt. Quá nữa thì có đài phun nước. Tôi mong được cùng nàng thò chân vùng vẫy vung vẩy với cái đám nước ọt ạch ấy chết đi được. Một bữa đi biển hết sảy đó chứ. Nếu như rằng nàng không mải đi bắt bọ rùa. Điều đó khiến tôi chỉ còn biết tưởng tượng ra mọi thứ miễn chê trong đầu để mà tiếc nuối. Ơ, cọng cỏ tăm tăm xanh xanh này được lắm nha. Tôi muốn hắt xì hơi đến nơi rồi mà nàng cứ khúc khích hát cho mấy con bọ tội nghiệp ấy nghe hoài.

CẦM LẤY SỐ PHẬN (hay là “Ở cạnh nhà tôi, có .. gái”)

Tôi đang ảo tưởng gì chứ.

——

Sáng nay, ngắm một con thuyền độc mộc rẽ nước hồ Tây mát dịu, một thoáng mờ sương và bóng nắng lung linh, tôi chợt nghĩ một ngày nào đó tôi rồi sẽ có một con thuyền thuôn dài như vậy. Tôi cảm tưởng như bất kỳ ai khi sở hữu một con thuyền, cũng sẽ gắn số phận của mình vào nó. Số phận của con thuyền và số phận của con người – hai nhánh sinh linh già cỗi bình dị, cứ lướt đi yên ả, bỏ mặc thị phố nội đô đã bắt đầu vội vã trong cái sớm đầu tuần. Những láng nước lăng xăng bám lấy từng nhịp mái chèo cào xuống, chộn rộn hết từ mạn bên trái, rồi sang bên phải. Những nhánh lá me vàng úa dập dềnh theo từng nhịp sóng tỏa. Mặt trời chói chang, khiến cho bất kỳ cái ngước lên nào cũng phải lóa mắt. Nhưng khi đứng dưới bóng cây này, tôi chỉ thấy một bức màn bô-kê huyền diệu. Những hình lục lăng kỳ ảo và những vòng vân sáng lan xòe theo mỗi sợi nắng, khi chúng len lỏi, chen chúc qua ngàn khe hở của mấy tầng lá biếc. Màu sắc ở trên đó nhòa nhợt chảy, bám, đọng men theo những đường tổ ong hay bọc trứng ếch. Tôi nghĩ đến số phận của mấy tấm ảnh ‘xóa phông’, rồi cái cảm giác say đến ngay tức thì. Có gì đó ngấn ở cổ họng giống như cơn buồn nôn buộc tôi phải nuốt khan nước bọt trong khi hướng ánh mắt xuống con đường đang đi. Hàng cây xoan mảnh dẻ thoáng rung chuyển rất đều và nhẹ, cảnh trí bỗng chốc nhuộm màu xanh đen, màu vàng, rồi lại y chang như lúc trước chỉ sau năm lần tim đập. Và rồi tôi thấy tay phải của mình đang xoa lấy vầng trán. Còn tay trái – hơi run rẩy vì vừa vướng vào một cơn co giật chớp nhoáng -, tôi cảm nhận mơ hồ rằng nó đang cầm nắm một vật gì đó hữu hình, rất xinh đẹp; hình như là số phận của tôi thì phải.

——

Dạo này, khi đi trên đường, tôi hay tìm kiếm hình ảnh của Valentina qua những lọn tóc được làm xoăn nhẹ và để buông dài sau lưng mỗi cô gái. Trong lúc tìm kiếm, tôi luôn tưởng tượng về việc tình cờ gặp nàng ở một nơi nào đó. Tiềm thức của tôi, vì thế, cũng cứ ngỡ rằng rồi tôi sẽ gặp nàng tình cờ ở một nơi nào đó thật. Tôi còn dần tiến đến sự mong mỏi cũng như niềm tin tưởng là tôi đang gặp nàng ở một nơi nào đó, một cách tình cờ theo kiểu những sự tình cờ vẫn hay xảy ra vậy; chỉ là tôi không biết, chỉ là nàng cũng không biết; chỉ là tôi và nàng đều không biết. Nàng vẫn mặc cái áo vải cotton, tay ngắn, bồng hai vai, có màu nâu lông thú, với những chấm đen, theo lối chấm rồi quệt và day nhẹ, nằm rải rác một cách có chủ ý, bắt chước ý tưởng kiệt xuất của Thượng đế khi ngài đang bài trí cho bộ lông của một con báo đốm mà nó cứ chạy xé gió không ngừng; vẫn chiếc quần bò bó màu xanh xa-tanh thậm với hai dải khóa phéc-mơ-tuya dài mười lăm phân, sáng ánh đồng gắn miết tận dưới nơi hai ống quần – trước tôi có nghĩ rằng, chắc nàng chọn mua kiểu quần này nhằm đề phòng sau này cổ chân nàng có to ra bất ngờ chăng; nhưng giờ thì tôi tự phải buồn cười với ý nghĩ lạ lùng đó. Đôi lúc, được viết ra như thế này tôi mới dám bộc bạch những phép so sánh và liên tưởng hâm đơ của mình. Được viết ra và được là chính mình, không gì tốt đẹp bằng. Nhưng lúc này tôi đang bận gặp gỡ Valentina, là điều còn tốt đẹp hơn nhiều nữa ấy chứ. Hai mắt của tôi đang mù quáng nhìn xuống đôi giày búp bê đen lịm tuyệt vời của nàng. Tôi để cho những ẩn dụ lan trên trang giấy vô hình. Miệng tôi hoặc nhắm tịt, hoặc thốt ra những lời mập mờ chẳng có gì thú vị. Chỉ có đôi mắt. Tôi thận trọng không để lộ sự đắm đuối. Tôi nhìn nàng một cách bình thường theo như lối hai người xa lạ vẫn nhìn nhau. Khuôn mặt nàng xinh đẹp. Tôi có thể thấy rõ một hai vùng nhám quanh má bên trái của nàng. Nàng từng nói da nàng thuộc vào dạng ‘xấu’, thỉnh thoảng lại nổi mụn nhọt đáng ghét; nhưng có hề gì. Tổng quan mà nói, chung quy mà ra, thì khuôn mặt nàng vẫn xinh đẹp. Tôi vẫn muốn bẹo lấy má nàng khi có cơ hội; như khi tôi bẹo má một cô bạn cùng lớp – cũng có hai bờ má lốm đốm – cách đây lâu lắm rồi; hơi nhớp và mỡ màng một tý. Nhưng đó là một lớp mỡ hoàn hảo. Hay nói đúng hơn là một lớp make-up hoàn hảo. Da nàng hoàn toàn mịn màng và sao suốt như chính giọng nói nàng vậy. Chà, các bạn không tin được biểu hiện ‘bị sốc’ của tôi khi lần đầu tiên nghe giọng nàng đâu. Dù nó đã được nén dưới hàng tỷ thuật toán mã hóa của ngành viễn thông, mà nghe sao vẫn.. Tôi đã phải vứt bỏ mọi loại ẩn dụ chỉ để nói với nàng rằng giọng nàng nghe thật kỳ lạ, thật ‘không thể tin được’, thật ‘sững sờ’. Và còn ‘vô cùng hấp dẫn’ nữa, nếu như tôi đủ can đảm để trêu ghẹo nàng như tôi thường hay thế.

——-

Lâu lắm tôi không trò chuyện gì với Rosetta. Có lẽ chính bởi đã làm nàng giận theo lối cố tình, nên tôi tự nhủ bản thân nên tránh đến gần nàng trong phạm vi hai ki-lô-mét. Nhưng nàng lại là cảm hứng ngôn ngữ đến từ quá khứ của tôi – giống như ‘hòn đá Rosetta’ xa xưa đã khiến Champollion say mê tìm hiểu, đắm chìm cuộc đời vào công cuộc nghiên cứu hệ thống chữ viết của nền văn minh Ai Cập cổ đại -, thế nên vào lúc rảnh rỗi, tôi thường mon men đến gần nụ cười và đuôi mắt nàng bằng trí tưởng tượng: tôi viết về cuộc sống tại thành phố Crutx và hẻm Swag, về những chết chóc ở thung lũng Vladimr, về con đường sương mù mang tên Khram – một nhà hiền triết hậu Hi Lạp theo phái Platon. Sắp tới khi đã hết bận bịu, tôi sẽ hoàn thành những câu chuyện nhỏ, vụn vặt về chuyến hành trình tới hạt Riesta, khu rừng Par, thị trấn Nusk, về những ngày lang thang ở cảng Carahae cùng những bí mật ở Lonx. Tôi sẽ đến gần nàng hơn và mơ mộng. Tôi hứa với mùa thu với mùa đông và cả mùa xuân như vậy. Cho dù, về ý nghĩa xã hội mà nói, cuộc sống của tôi và cuộc sống của nàng Rosetta rõ ràng khác biệt hẳn với nhau đến từng ly từng tý. Mỗi một mi-li-mét trên cái thước kẻ của nàng, đều sẽ khác với mỗi một mi-li-mét trên cái thước kẻ tôi dùng. Mỗi bước chân, nàng nhún nhảy và lè lưỡi. Tôi thì chắc đang ngủ quên ở ghế làm việc từ đời nào rồi. Tôi nghĩ rằng nàng là người ngoài hành tinh cho nên mới dị biệt và khác xa so với tôi đến vậy. Nhưng nói chung, về cơ bản, nàng có một tuổi thơ đẹp. Nàng hát hay – thực tế tôi không nhớ nàng có hát hay thực sự hay không nhưng tôi dám đảm bảo là thế -, và thích chơi những chiếc xe ô-tô bọ rùa màu đỏ hoặc cam. Nàng không thích chuồn chuồn kim hay côn trùng lắm; nhưng lại cực kỳ thích núp trong lùm cỏ lau cao hơn đầu nàng khi nàng đứng khom chân xuống, rồi bất ngờ xồ ra hù ma những đứa yếu tim vội ngang qua. Nàng còn thích cả tiếng dép bèn bẹt của tôi khi tôi lao đi trên vỉa hè đầy nắng. Nàng bảo đôi giày vải mềm có một lớp nhung lóng lánh bọc gót của nàng im lặng quá, chẳng thể nào sôi động được như tiếng dép quai hậu đế mỏng quèn quẹt mặt đường. Nàng thích nghịch cái mũ nồi xám xanh của tôi, hơn là cùng bọn chúng tôi vặt cỏ gà, đào củ ấu trên khu đất ẩm sương khi mùa đông vừa đến. Nàng giới thiệu tôi với hàng loạt những cầu trượt và xích đu bên kia ‘phố đường tàu’, phía bên trong dãy hàng rào sắt đan lưới hình quả trám và có màu mận chín. Nàng dạy tôi cách thể hiện tâm trạng hớn hở trong một buổi lễ chia tay xinh xắn, ngay chính cái lúc nàng cắt ngắn tóc đi theo đúng kiểu Ma-rư-kô-chan trên phim hoạt hình và tỏ ra bẽn lẽn. Nàng gửi tôi vài tấm ảnh kỉ niệm. Rêu cộng nấm mốc đã giúp tôi quên lãng chúng. Bà nội tôi thì còn giữ một bức, có ép plastic hẳn hoi. Nhưng tôi sẽ không đụng vào kỉ chương của bà – những tấm ảnh của con cháu được bà giữ riêng trong khung kính khổ A2 treo giữa gian bếp đã quạnh khói; vì tôi vẫn còn lưu giấu được một thứ hay ho hơn thế: Rosetta bằng cách nào đó đã khiến tôi luôn nhớ đến nụ cười vành trăng của nàng.

——-

Dừng xe, tắt máy.

Một em gái đang đứng chênh vênh trên bậc thềm gạch đỏ, hai tay khoanh thòng trước bụng. Mái tóc dài ngang lưng, gợn sóng từ chân tóc lên đến tận ngọn và có màu cơm cháy. Môi nàng đỏ, y sì màu đỏ huyết của tấm áo ba lỗ hở bụng nàng mặc. Nơi hông hàng tồn tại một chiếc giuýp đen quây tới ngang đùi. Chân nàng thon dài và mất hút trong đôi bốt da đen cao gần sát đầu gối. Nàng có một chiếc túi xách màu bánh mỳ sốt vang với quai đeo buông dài quàng lên vai trái. Chiếc túi đôi lúc đụng vào tường vì nhịp lắc lư của thân hình nàng; trong khi lưng nàng cố tránh nỗi thèm khát được dựa vào đôi cửa sổ đằng sau. Bên cạnh nàng, phía khuất trong bóng tối, còn hai nường em gái nữa, đang lúc trò chuyện râm ran, nên chẳng thèm chú ý thứ đèn pha vừa lướt qua những chỗ hở hang trên cơ thể họ rồi đột ngột tắt lịm đi.

Tôi không biết từ khi nào, khu xóm tôi ở, có ‘gái’. Đó là một điều lạ lẫm. Cái cảnh một chiếc xe máy ‘chở bốn, đèo ba’ những cô gái ‘ăn chơi’ ngúng nguẩy – tôi đã bắt gặp quá nhiều, mỗi khi rời chỗ làm lúc tối muộn để về nhà trên cung đường quen thuộc. Nhưng khi nó diễn ra trước cửa nhà tôi, nó lại trở thành sự bất ngờ mới mẻ. Không những thế, nó còn là một sự bất ngờ thú vị. Những nường cô gái ‘sương đêm’ đang chờ ‘đi ca’ ngoài bậc thềm nhà tôi; trong lúc tôi đang làm mọi việc vô nghĩa nhất quả đất để trở vào chiếc nôi êm ấm của cuộc đời; thì họ, đứng ngay đấy, đong đưa thể xác, trái tim, đôi mắt và cả tâm hồn theo những nhịp điệu riêng. Tôi kéo chiếc cửa sắt rít lên cót két. Một thằng ‘nhóc loắt choắt’ đeo khuyên đen bên tai trái – mảng tóc phía bên đó được cạo gần nhẵn thín, để mặc những lọn vàng chóe từ trên đỉnh hoặc bên phải đầu hất rủ lòa xòa xuống – trờ chiếc xe gắn máy ‘cà tàng’ và xỉn bùn tới. Qua cánh cửa gỗ sắp khép, tôi thấy họ mở môi trao lời với nhau. Tôi thấy cả vùng eo thon trắng và bắp đùi của nàng mặc giuýp như gắn liền thành một dải. Tôi thấy hai nàng kia cũng vội vã vắt cẳng chân trần leo lên xe, tỳ hết sức nặng của sự đỏng đảnh trên những chiếc guốc bốn, năm phân và trên cả những ngón chân yêu kiều thoa nhũ bóng một cách thiếu tinh tế. Khi con ngõ và mùa đông biến mất sau tay nắm đấm cửa, tôi nghe thấy tiếng vặn tay ga, tiếng ầm ì của buồng đốt và bộ số. Tôi lặng thinh bất động và cảm nhận số phận của họ bị cuốn đi, băng vù qua tấm rèm cửa. Mặt đường lạnh lẽo, nuốt chửng thứ nước hoa L’Evinia nhàn nhạt bị bỏ lại, ngay lúc nó vừa êm ả rơi xuống. Bóng tối khẽ thì thầm, ngơ ngác nhẩn nha giai điệu ảo vọng trong những câu thơ diễm lệ tình tứ của Baudelaire.

Quand parfois sur ce globe, en sa langueur oisive,
Elle laisse filer une larme furtive,
Un poète pieux, ennemi du sommeil,

Dans le creux de sa main prend cette larme pâle,
Aux reflets irisés comme un fragment d’opale,
Et la met dans son coeur loin des yeux du soleil.

[…]

——–

Alicia, Alicia. Alicia.

Anh tưởng mình đang di chuyển trên đường phố Kabul hoang tàn đổ nát, chiêm ngưỡng ánh mặt trời, muội khói và mồ hôi chầu trực ám toán nơi này từng phút. Cũng như Amir, anh sợ hãi những bóng xe jeep vũ trang đi tuần, những họng súng Taliban sẵn sàng nhá lửa và những băng đạn đeo trần trước ngực bất kì một tên man rợ nào. Afghanistan đã từng là một nơi vô cùng tuyệt đẹp với những ngọn bạch dương tinh nghịch và những trái lựu mọng đỏ; nhưng sự sợ hãi pha lẫn hối hận đã biến đổi quê hương của ‘cậu Amir’ ngày nào trở nên khủng khiếp biết bao nhiêu – giống hệt tình trạng hiện giờ mà mối quan hệ giữa anh và em đang mắc phải vậy. Anh đang cảm thấy sự xa lánh đến từ nơi em, cứ như chúng ta là những người Pashtun kiên lĩnh và Hazara khổ hạnh luôn kì thị nhau. Và sau màn khói lửa chiến tranh dựa trên những mâu thuẫn thuần cảm tính nào đó, chúng ta còn trở thành những người sùng đạo Shi’a và Sunni điên loạn khủng bố, bắn giết nhau nữa. Có lẽ anh đã cường điệu hơi quá, nhưng phải nói rằng quãng đường từ Peshawar đến đèo Khyber, vượt qua biên giới Pakistan để vào Afghanistan, rồi từ Jalalabad trở về Kabul là một hành trình khá dài và khá nhọc nhằn; nó khiến trái tim anh buồn bực và hai lá phổi chỉ chờ lấy hơi để xả cơn cáu gắt. Anh ước gì mình chỉ là một người viết thư thuê, hàng đêm lưu trú trên mảnh gác xép tróc ván tại một bưu điện mục nát ở Hazarajat. Anh sẽ để cho bồ hóng ám đen mảnh khăn trắng với bộ râu già đã ngả hoa râm vào trước mỗi bình minh, khi đàn bò còn chưa rên vì đói dạ, và viết quần quật những dòng suy nghĩ, những tâm tư lấy từ đôi mắt của bao chàng trai gầy guộc, tuy không biết chữ nhưng lại biết cách tỏ rõ nỗi khao khát và niềm mơ ước gấp bội qua khóe miệng, lên những lá thư sờn cũ, cáu ẩm vì mùn cát cho đến hết ngày. Nhưng khi đọc xong câu chuyện về Amir và Hassan, về Baba và Ali giữa một buổi trưa hè nắng gắt và bụi bặm, anh bỏ dở cây bút ngập đẫm trong bình mực tím, rồi đưa tay quệt vầng trán; suy nghĩ về những lời anh nói, cách anh xử sự, những điều đã hoàn toàn có thể làm tổn thương em lẫn những tình cảm của em. Anh rất muốn là Amir – luôn nhận thức được những sai lầm của mình, tuy chần chừ, nhưng cuối cùng cũng can đảm đối mặt với nó. Là Amir, anh sẽ có đủ tỉnh táo và lời lẽ thuyết phục cũng như hành động cần thiết để cứu rỗi những rạn nứt và hàn gắn những xa cách đang tồn tại, cho dù có vài gã Assef cục mịch thô lỗ xuất hiện ngang đường và hằng muốn cho anh một trận ra trò. Là Amir, anh sẽ không bảo em tự đi ngắm sóng một mình như trước nữa; thay vào đó, anh sẽ ở bên và kể em nghe những mẩu chuyện cười, hay những dòng thơ hay hoặc những câu chuyện tình yêu tìm thấy trong tất cả những trang báo, họa tiết tranh vẽ, hay những bức thư anh được mọi người thuê viết. Ở một khía cạnh khác, anh bỗng muốn là Hassan hơn. Và em sẽ là thực thể đầu tiên và duy nhất mà anh sẽ ngưỡng mộ trọn đời. Anh sẽ theo bước chân em tại mọi cuộc đua diều diễn ra trong năm trên khắp thế giới. Anh sẽ cổ vũ, hò reo mãi không ngưng nghỉ, không bao giờ biết mệt. Anh sẽ mỉm cười với chiến thắng lẫy lừng của em, ngay khi bàn tay nhỏ nhắn kia ứa máu vì bị sợi dây bọc bột thủy tinh cứa xước. Và anh sẽ chạy tìm và đuổi bắt bằng được chiếc diều giấy xanh thua cuộc cuối cùng đó về cho em. Vì em, cả ngàn lần rồi!

 

Khái niệm về hếk

Tản mạn mùa thu – Tập viết. Viết cho thời gian trôi…

 

Nói cho cùng là tôi định mở đầu “khái niệm về hếk” bằng nhiều yếu tố văn vẻ xen lẫn lãng mạn phù phiếm, bằng cái khả năng diễn đạt tuyệt vời mà tôi đang có ý định đạt đến. Ví dụ như đầu tiên, tôi sẽ đề cập đến việc tại sao trong đời sống lại nảy sinh ra nhiều khái niệm lẫn định nghĩa đến thế. Rằng thì, ở mức độ đôi khi, con người mới cần đến định nghĩa hay khái niệm để làm rõ và khẳng định một vấn đề còn đang gây hoang mang, xôn xao dư luận. Chính định nghĩa, khái niệm, chung quy được hiểu là một phát biểu mang tính học thuật nào đó, là lý do duy nhất khiến tôi đồng ý với quan điểm về một thế giới đang ngày càng phẳng ra. Cây thì phải có rễ, lá, thân, cành; không khí không màu, không mùi, không vị.. Chẳng cần phải quá hiểu biết ta cũng có thể cảm nhận được. Mọi người luôn đi ra từ sự hiểu biết, cụng đầu nhau ở sự hiểu biết, đánh nhau vì sự hiểu biết, và dường như ai cũng đủ hiểu biết để có thể viết một tập sách phiên bản đút túi mang tên “Những hiểu biết của riêng tôi”. Nhưng thường không ai có ý định đấy, và như thế, đối lập với “đôi khi”, tức là hầu như chẳng bao giờ con người cần đến một chùm các câu chữ để diễn tả sự hiểu biết của mình mênh mông đến đâu. A, cái cây; không khí này.. Thật đơn giản, không cần phải qua lớp cơ bản sinh học hay hóa học, ai cũng hiểu.. Nhưng thế đấy, đôi khi, đôi khi muốn lãng mạn, đôi khi muốn thổi hồn mình, đôi khi muốn truyền đạt cảm xúc, chứ không phải chỉ là cái mong muốn làm phức tạp hóa bài toán tính lực luôn nằm trong suy nghĩ của các giáo viên ra đề môn vật lý như tôi tưởng, con người vẫn sáng tạo ra những lời lẽ đầy khoa trương và phách lối với ý định nắm mọi thứ trong lòng bàn tay tri thức của mình, để mà vo viên và chơi trò ném quả cầu tuyết vào lưng nhau.

Nói cho cùng thì nên viết hoa chữ hếk; và tiêu đề sẽ được viết lại thật đẹp đẽ, rõ ràng là “Khái niệm về Hếk”. Đơn giản, là vì, Hếk là một cô gái. Ít tuổi hơn tôi, mới quen, đủ để nói thật là chưa thân đến độ tôi có thể biết một chút, dù là rất ít ỏi về bản thân Hếk. Nếu tôi đi đằng sau Hếk, hay hình dung một cách đơn giản là nếu Hếk đang sải bước đằng trước tôi, tôi chỉ có thể gọi bằng tất cả khái niệm về Hếk mà tôi ghi trong quyển “Những hiểu biết của riêng tôi” nằm trong túi áo: “Hếkkk!!”. Và hi vọng tôi sẽ đỗ hạng đầu trong lớp sơ cấp về nhận diện người quen chỉ cần hai phát nhìn từ đằng sau. Đến đây, cũng có chút băn khoăn: liệu tôi có nên tìm hiểu chút gì về Hếk trước khi hoàn tất câu chuyện tản mạn mùa thu của mình không!?.. Nhưng rồi thế đấy, đôi khi, chẳng cần lãng mạn, chỉ muốn thổi hồn mình, chỉ muốn từ những cảm xúc mà khơi gợi được ánh hào quang của mặt trời, hoặc nếu ai giống tôi: thích ban đêm hơn thì có thể thay bằng cụm: vẻ đẹp rạng ngời của mặt trăng; dù thế nào thì… Hếk hiển nhiên vẫn là một cô gái, ít tuổi hơn tôi. Tôi mới quen Hếk. Hếk mang một cặp mắt kính, à, thì ra là Hếk có mang một cặp mắt kính; Hếk sở hữu một cái mũi có xu hướng hếch, và đây sẽ là tâm điểm chú ý, là chủ đề chính trong các chuyên mục bàn luận về những tin tức thời sự quốc tế trên ti-vi, nếu như tôi không cố tình lướt qua nó. Và tôi sẽ cố tình lướt qua nó. Bởi vì chỉ với sự quan sát thô kệch của mình, tôi chẳng nhận thấy gì ngoài đôi cánh mũi nhỏ xinh nằm nép mình hai bên cái chóp mũi mà rõ ràng là không bao giờ chịu cúi đầu trước ai; hoàn toàn phù hợp với mọi kiểu cười của Hếk mà tôi có thể nghĩ được: từ cười nhe răng, đến cười toét miệng, cười vênh mặt, hay cả cười nhăn mũi.. hếch; phù hợp với cả hai trò chơi mà tôi từng được biết là búng mũi và véo mũi; phù hợp với mọi góc nhìn mà tôi thấy khả dĩ tìm được chỗ để ngắm: nhìn thẳng, nhìn ngang, nhìn nghiêng hay nhìn chếch. Nói cho cùng, mũi hếch cũng chỉ đáng yêu như bao kiểu mũi khác; ngoại trừ một điều làm nó đặc biệt hơn: đó chính là Hếk sở hữu nó, không tốn lấy một xu, trên khuôn mặt mình, khuôn mặt chuyên nhăn nhở và nghịch ngợm. Người khác nếu muốn thì phải tự hếch mũi mình, và chẳng giữ được lâu, còn Hếk thì khỏi cần, dù ngủ dù ngồi, dù đứng dù chạy, dù cố vuốt thì mũi vẫn cứ hếch. Và thật may mắn khi được đi ngược chiều với Hếk, cặp mắt kính đặt trên cái mũi hếch, dưới cái mũi hếch vô cùng giá trị đó là một trong năm trường hợp: một nụ cười khoe răng, hoặc một nụ cười toét môi, hoặc một nụ cười vẹo mặt, hoặc một nụ cười rách mũi, hoặc là không có nụ cười nào cả; sẽ là điều chẳng mấy khó khăn gì để đi bảy bước viết bảy câu văn tả Hếk, hệt như tả ngôi sao năm cánh, năm câu đầu tả năm cánh sao lấp lánh, hai câu cuối tả về hai cánh sao cũng lấp lánh trước đây có nhưng đã bị mất do một vụ va chạm thiên thạch; đó là quy tắc mà tôi luôn tuân theo vô điều kiện: năm câu tả thật và hai câu bịa, quá đủ để làm đời bớt buồn, và năm cánh sao còn lại không còn cô đơn.

Nói cho cùng, trên con đường đi tìm chân lý, và được biết thời gian luôn có giao lộ với sự thật, cũng như mũi Hếk thì có thể so sánh với độ vểnh của tai thỏ trong các bộ phim hoạt hình, tôi sẽ giữ tròn bổn phận của người phải kết thúc cuộc tìm kiếm và đưa ra kết luận. Tôi sẽ làm rạng rỡ và phong phú thêm kho tàng phi vật thể của nhân loại bằng  một “khái niệm về Hếk” và một “định nghĩa về hếch”. Có lẽ tôi nên khuyên Hếk tham gia Công ước Bơn về quyền tác giả, tác phẩm. Hoặc đề cử Hếk đoạt giải Nô-ben về Ngôn ngữ học. Như vậy tôi mới hoàn toàn yên tâm về mức độ tin cậy mà khán giả truyền hình luôn dành rất nhiều cho bản tin dự báo thời tiết của mình. Tôi sẽ dự báo có mưa trong khoảng một tiếng rưỡi tới. Và khả năng tồi nhất xảy đến là tôi phải tự hóa trang “ướt như chuột lột” trước ống kính trong mục quảng cáo về áo mưa trong hai tiếng nữa. Tôi còn phải biên tập kịch bản cho tiểu phẩm “Biết khi nào gặp nhau” vào các ngày rảnh trong tuần. Và trước mặt tôi hiện giờ là cả chồng bản thảo về “Những câu chuyện không bao giờ dứt” đang chờ ngày lên sóng. Giá như phòng tôi có ban công, tôi sẽ đứng ngoài đó mà hét: “Hếkkk!!”. Tôi thích khoa trương và phách lối từ trên cao. Hàng xóm của tôi cũng thế; họ sẽ nhìn tôi từ trên sân thượng, hay từ dưới đất, sẽ tròn mắt, sẽ nhăn mặt, sẽ nghiêng đầu ngơ ngác, sẽ tức giận không nguôi. Tôi sẽ đáp lại bằng nụ cười đắc thắng và hét tiếp: “Một cô gáiii!!”.

Thế giới thế là thêm đà phẳng ra, nhờ cái mũi hếch của Hếk. Có lẽ tôi sẽ không cần quyển “Những hiểu biết của riêng tôi” nữa; tôi sẽ bán đồng nát. Tôi bỗng dấy lên niềm đam mê sưu tầm tranh và giấc mơ cầm cọ, trở thành họa sĩ; tôi sẽ vẽ cây và pha loãng không khí; tôi sẽ phác họa một chân dung hoàn chỉnh về Hếk, chỉ với bảy màu sắc cơ bản của cầu vồng: sẽ phân ra thành hai màu chính và năm màu phụ.. Chắc là sẽ ổn. Tôi tin tưởng rằng mình sẽ không chỉ biết ký tên bằng bút bi, bút mực hoặc bút chì. Đôi khi cũng nên thử vo viên và ném quả cầu tuyết vào lưng người khác xem sao. Tôi bắt đầu thích cái đôi khi ấy đến chết mất.

 

Một chút chia sẻ: Post này gửi tặng Hoàng Ngọc Kim Oanh – hay còn gọi thân mật là Hếk, một khuôn mặt, một nụ cười, một cá tính khiến tôi có vài cảm xúc sững sờ. Tôi quen Hếk trên FB, được 2 ngày thì tôi viết note về Hếk, Hếk gọi tôi là nhà văn trào phúng làm Hếk cười chảy nước mắt; chưa đầy một tháng sau tôi lập tài khoản FB mới và xóa cái cũ đi. Tôi không còn dính dáng đến Hếk nữa; nhưng tôi biết Hếk vẫn giữ một phiên bản cái note đó của tôi bên FB của Hếk. Và hiện tại thì cái note về Hếk đã thực sự trở thành một bài post trên WP.

Update (10/4/2012): Thực ra là cho đến bây giờ tôi đã add friend lại Hếk trên FB mới. Có nhiều điều để gắn kết tôi, với Hếk. Tỷ dụ như Hếk là bạn cùng lớp của Trâm Anh (TA), qua TA tôi mới biết và quen Hếk. Nhưng có một điều hơn thế, đó là Hếk khiến tôi nhớ về người bạn gái tên Hằng từ hồi bé tý của mình, khuôn mặt và nụ cười không lẫn đi đâu được làm tôi lần đầu tiên trông thấy bỗng thoáng giật mình. Hiện h Hếk đang deactivate tkhoản trên FB, chắc để lo chuyện học hành, lớp 12 rồi mà, tốt nghiệp và đại học. Vậy thôi, chúc em thi tốt.

Update (15/8/2012): Hếk thi đại học đã xong từ lâu và giờ mới có thời gian thêm thắt thông tin. Đỗ HV Báo chí và Tuyên truyền (khoa Triết) rồi nhé. Haha. Được gặp Hếk (1/8/2012). Đây là điều chưa bao giờ nghĩ tới. Một bữa trưa đơn giản (@Lotteria Trấn Vũ) và một món quà đơn giản (cuốn tiểu thuyết mang tên “Cô gái mang trái tim đá” của Andrew Davidson): mừng Hếk sắp trở thành tân sinh viên chứ sao nữa. Nói chung cuộc sống luôn nhiều điều bất ngờ. Và ta cứ chờ đợi những bất ngờ đó mãi thôi.

Update (06/01/2015): Không ngờ cũng có thời gian đi cập nhật mấy thứ dạng này.. Tôi và Hếk đã biết nhiều hơn về nhau. Qua từng đấy thời gian. Em đã đổi FB mới từ đầu năm ngoái (link đã cập nhật ở đoạn chia sẻ đầu tiên), không còn giữ cái note này nữa. Và ngày càng trở nên đáng ghét hơn. Theo xu hướng trào phúng vẫn thường hay xảy ra vào cái thời kỳ nhàm chán nào đó trong các mối quan hệ. Nhưng với tôi, em vẫn là một thực thể đáng chú ý. Đáng ghét đấy, nhưng vẫn đặc biệt.

Update (24/12/2015): Tự nhiên muốn chôm một bức ảnh kỷ yếu của Hếk lên đây. Chẳng mấy nữa mà em ra trường.

HNKO.