Chuyện gì đã xảy ra

 

Hôm nay, tôi quyết định dừng viết Đ.T.H. Tôi nhận thấy rằng càng ngày tôi càng viết chậm đi. Từng trang giấy chỉ nhích lên chút một qua mỗi tuần. Tôi gặp vấn đề khi làm việc với các tư liệu. Tôi chán bản thân, với số kiến thức nền nhỏ nhoi, tôi khó lòng xây dựng được mọi thứ hoàn hảo. Nhưng khổ nỗi, tôi lại là một người tiểu tiết. Nên là khi muốn làm điều gì đó, tôi luôn muốn làm sao cho tốt nhất, từ cái to cho đến cái nhỏ, cho đến cả những thứ lặt vặt đi kèm. Điều đó khiến cho tôi phải tra cứu khá nhiều khi viết những tháng gần đây. Thế mới biết, càng dấn thân vào sâu, càng có nhiều thứ tôi cần phải trau dồi, tức là phải học, học thực sự ấy chứ không phải là học hỏi qua quýt, học để biết vậy, và nữa là cần phải trải nghiệm, phải thấy. Tôi chủ yếu lưu giữ những tra cứu, lượm lặt của mình trong một danh mục mà tất cả các mục đều ngang cấp với nhau. Và chúng nó bắt đầu trở nên dài thườn thượt, rối rắm, lạc loạn, khi lượng kiến thức tôi cần xem tới được bổ sung vào đống danh mục đó càng lúc càng trở nên nhiều không kể xiết. Trí nhớ của tôi đối với những thứ ngắn hạn vốn không được tốt. Sau khi chắp nối các mắt xích lại với nhau, tôi cho thế là xong và quên bẵng đi làm thế nào mà tôi lại có thể liên kết tất cả bọn chúng lại như thế. Đến chừng khi một mẩu xích nào đó bắt đầu lỏng lẻo. Tôi chỉ còn biết đần mặt ra tự hỏi, làm thế quái nào tôi biết đến cái thứ này và tại sao tôi lại chọn bày biện cái đống của khỉ đấy ở đây vậy. Thế nên, điều tất yếu xảy ra trong thời gian rồi là tôi cảm thấy khó khăn để có thể tiếp tục làm việc trên mớ hỗn độn giờ đây đã chình ình thành một vạt rừng bí ẩn mà tôi đã mất đi khả năng gọi tên bất kỳ loài thực vật nào bên trong nó.

——– Hắn ngồi đó, trũng thân hình trên khung hàng rào gỗ duy nhất sót lại, mà cùng với nó, có hàng trăm mớ dây kẽm gai uốn vòng, đan xen chằng chịt, hợp thành một vành đai cao gần mét rưỡi bao quanh lấy khu đất nông trại rộng tới ba ngàn mẫu và ngăn cách nó với vùng đất hoang rõ ràng là còn trù phú hơn về diện tích, ở bên ngoài. Phía sau lưng hắn, cánh đồng ngô vừa thu hoạch hết bắp, như mất hết sức sống, lả đi, chỉ chờ nắng làm cháy khô hết mấy đám lá xanh nữa thôi, là cả cánh đồng sẽ hoàn toàn khịu xuống, trở thành miếng mồi ngon béo bở cho một đám lửa đỏ và lớp đất óng mỡ.

Franky tự cuốn cho mình một điếu thuốc lá. Hắn cắn nghiến một đầu trong khi đang dở tay tìm diêm quẹt. Hơi rít đầu tiên làm hắn quặn phổi. Mồ hôi và khói thuốc bết lấy mớ tóc đã ngả vài mảng muối tiêu. Chiếc mũ cờ-rích-kê kiểu Úc-đại-lợi trên đầu hắn ỉu xìu, thấm nhẫy hơi mồ hôi. Nó trở nên nặng hơn, trườn xuống, càng lúc càng bám chặt lấy bộ óc mà hắn hằng cho là ưu việt so với hết thảy đám đông mà hắn biết. Điếu thuốc rơi tàn được một nửa, thì cũng là lúc não hắn trở nên chuếnh choáng bởi hàm lượng ni-cô-tin đã quá nhiều so với khả năng hấp thụ của buồng phổi hắn trong hai năm gần đây. Nó rỉn ra một thứ dầu đặc có mùi hắc ín xuyên qua lớp da đầu, phết lên phần lót của chiếc mũ đang đội một lớp đen xì nhớp nháp.

Hắn thôi nghĩ đến những mạch máu và lớp da thịt nơi hốc mắt. Khi vứt đi nửa điếu thuốc còn lại, tâm trí hắn mông lung điều gì đó trong chốc lát, rồi thì hắn bước tới chiếc xe mô-tô dựng bên gốc cây bao-báp. Vừa ngồi lên xe, hắn liền khởi động máy, tiếng ống bô nổ đèn đẹt, nhả khói từng cụm. Hắn lao xe đi, cua nửa vòng, rồi thẳng theo con đường hướng ra phía thác Pam mà chạy tới.

Thay vì đến đúng thác Pam, hắn lái xe đến bên mép vực cách đó cỡ ba trăm mét, nơi con sông A-rút-xi-ni vẫn cuồn cuộn chảy cách cả trăm mét bên dưới, dù cho nó đã không còn thuộc địa phận của cao nguyên Mô-cátx nữa. Mỗi khi ở chỗ này, không hiểu sao, trí óc hắn luôn gợi tìm lời giải đáp cho một thắc mắc chẳng ai quan tâm, rằng tại sao con sông không thuận theo thế đất để tạo dòng, nếu xét về khoảng cách thì cũng chỉ còn mười hai cây số nữa là nó cũng sẽ tới được bình nguyên Ha-ma-quiu-lớtx bên dưới, vậy mà, nó lại đột ngột đào xuyên qua cả chục lớp đất đá, xẻ nên một rãnh sâu kỷ lục lên đến tận một trăm mười mét bắt đầu ngay chỗ thác Pam, rồi đổ hết lượng nước qua lối đó, và dù đã giảm độ cao đi kha khá, sau khi bổ nhào xuống từ trên đỉnh, những khối nước khổng lồ đục ngầu xuất phát từ chân thác Pam vẫn tỏ ra là những tay phiêu lưu vội vàng hết cỡ, bằng chứng là chúng vẫn phăng phăng ào ạt trên con đường tiến tới những vùng đất thấp hơn bên dưới, gây nên một sự huyên náo ầm ĩ cho những ai đang phải đứng gần. Nguyên nhân của sự kiến tạo địa vực sông A-rútx vẫn còn là một điều bí ẩn với tất cả mọi người cho tới ngày nay. Không có nhà địa chất học nào, kể cả người ở trong vùng, nắm bắt hay tìm hiểu được chút ít, cũng chẳng có ghi chép xa xưa nào đề cập đến. Những người già nhất còn sống trong ngôi làng Môn-rô gần đó, hay ở thị trấn A-ráp cách vài dặm mà Franky biết và đã nói chuyện, chỉ là đám con cháu của mấy tay khai khẩn đất hoang, chân tay thì mạnh mẽ nhưng lại thiếu đi ý niệm về khoa học giáo dục; đời họ không hề biết chữ và cũng chẳng lấy đó làm phiền; họ cũng chẳng phiền khi những thế hệ kế cận tiếp tục giống họ, tuy họ biết nhiều thứ đổi mới đã và vẫn đang diễn ra liên tục không ngừng. Vì vậy mà ở trên khắp miền đất cao nguyên Mô-cátx đất đỏ phì nhiêu này, không tồn tại một sự uyên thâm trí giả nào mà hắn, Franky, có thể viện cầu đến cả. Bên đống lửa, vào những đêm ngập tràn sự lạnh giá do gió tuyết từ dãy An-đétx phả xuống, những câu chuyện ôn lại giữa những người già, những lời kể cho lũ trẻ, khi mỗi người đều đang cuộn mình trong một chiếc chăn ấm có thêu những bông hoa mặt trời rộ nở, hầu hết toàn là những bài học dạng ngụ ngôn, rồi vài kỷ niệm nông nổi được thêu dệt, hòa lẫn sau đó là những kinh nghiệm xương máu của cha, mẹ họ hoặc của chính họ thời trẻ, khi vật lộn với biết bao cánh đồng, biết bao vụ mùa canh tác, khi phải du nhập mấy dây chuyền nông phẩm sử dụng máy móc hay khi so kè lợi tức với những tay thương lái xương xẩu miền xuôi.

Thật là những biểu hiện của cuộc sống tầm thường, Franky đã luôn nghĩ thế chỉ sau một thời gian ngắn đặt chân lên cao nguyên Mô-cátx và quen dần với cuộc sống mới tại nơi này. Hắn vốn chẳng ưa gì ai; ngay khi đã hiểu thấu được mọi người ở đây, cẩn thận xếp đặt từng người một vào các nhóm trên thang phân loại đẳng cấp của riêng hắn, hắn trở nên sẵn sàng thóa mạ tất cả bọn họ, vào bất kể giây phút nào hắn phải bỏ công ra để thiết lập một mối tiếp xúc ngôn ngữ thành tiếng với họ, lúc gặp nhau trên đường, lúc làm việc chung ở cánh đồng ngô, lúc sinh sống tại khu nhà tập thể dành cho công nhân nông trại của Đôn Giôn, dù cho đó có là phụ nữ, trẻ em, hay những lão già, tệ hơn nữa là những tên mọi đen và nhất là cặp vợ chồng Đô-rít. Nhưng hắn chưa bao giờ làm thế, chưa bao giờ sổ toẹt mọi ý nghĩ trong đầu hắn ra trước mặt bất kỳ ai trong làng. Hắn đến đây là để tìm cách nén chặt lại những cảm xúc có thể nói là xấc láo, hoàn toàn đối chọi với bản chất của một quý ngài như hắn. Hắn đến đây để xóa bỏ đi quá khứ xấu xa của mình. Dù từng nghi ngờ bản thân, thì cho đến giờ phút này hắn chưa bỏ cuộc. Hắn là người duy nhất nắm được cái mục đích rõ ràng cho tương lai của hắn. Thỉnh thoảng, trái tim hắn bỗng nổi cơn thèm khát. Thế là hắn phóng ra đây, dựng xe cách đúng một khoảng tám mét, rồi đi ra sát bờ vực hòng nghe rõ tiếng gầm gào vang vọng của con sông khi lao qua một cái ghềnh đá ngay bên dưới. Hôm nay, hắn chẳng trông xuống những dòng nước xối xả như thường lệ, thay vì thế, hắn nhìn quả bóng mặt trời đang bắt đầu chui vào giữa những mỏm núi sắc nhọn đằng xa và cam chịu cho chúng đâm thủng. Hắn có nên nhảy xuống, hắn tự hỏi mình vậy. Hắn từ tốn độc thoại với bản thân thêm vài ba câu nữa. Hắn liếm môi, cái dư vị ngọt ngào thẳm sâu trong tiềm thức của hắn chầm chậm kéo tới. Hắn lấy thuốc lá và giấy cuốn trong bọc ni-lông nhỏ lấy từ túi áo để cuốn một điếu thuốc mới. Khó khăn lắm hắn mới quẹt được lửa châm cho điếu thuốc giữa những cơn gió lộng vào lúc chiều tàn. Hắn tự nhủ với bản thân nhất định sẽ làm được: “.. phải quên được nó đi.”. Hắn hít một hơi dài, nhắm mắt và khởi sự công cuộc trốn chạy. “Con sông”, hắn mở mắt, “tại sao chẳng một ai quan tâm đến sự giận dữ của mày cả, ngoại trừ tao?”.

 

ÂM 12 ĐỘ

 

Tự nhiên buồn buồn. Không biết nói gì. Kiếm được bài Gravity của Coldplay nghe chơi, cuối cùng lại nghiện. Giai điệu bài hát cứ kéo dài bất tận. Muốn dừng cũng không tài nào dừng được. Nó đã trở thành một hiện tượng chi phối tâm tư suốt cả cái đêm không ngủ.

Đến sáng, tìm cớ để lang thang ngoài đường: đi rút tiền, đi mua đồ, đi gửi đồ; vội vàng nhận ra là ngoài đường đông quá. Con phố thân thuộc hai mươi mấy năm sinh sống có lẻ, giờ sao mà chật như nêm, rặt toàn những gương mặt xa lạ trôi nổi giữa hai dòng chảy chậm rì của xe cộ, kẻ muốn đi ngược, người cố chạy xuôi, chẳng ai chịu ai, dù mỗi bên số phận đã được phân định rạch ròi, thì với dã tâm ương bướng, con người ta vẫn muốn gây hấn với nhau, ghìm kẹp nhau mỗi khi có cơ hội.

Đã hơn 8 tháng mình không đi làm, không tham gia vào guồng máy lao động sản xuất của đất nước, không bon chen với thời gian biểu sáng 8 giờ đến công ty, chiều 5 giờ được quyền nhấc mông chuồn về nhưng vì lý do tắc đường nên toàn cố hoãn đến 7 giờ tối mới thèm chạy trốn khỏi những chiếc màn hình máy tính để quay lại với thế giới tình yêu đầy mộng tưởng ngoài kia, khi khói bụi đã lắng xuống và trời đất không mảy may ồn ào nữa. Đây là lần 8 tháng thứ hai mình có cả một quãng thời gian rảnh rỗi vô bờ bến để cóp nhặt và thử thách từng mảnh nhỏ trong cái ước mơ to lớn của cuộc đời. Tuy nhiên, có lẽ như thế chưa đủ. Mình vẫn thất bại. Khi đứng trước H., mình vẫn là một kẻ thất bại hoàn toàn, dù cho cố gắng thế nào. Chẳng thể dứt hình ảnh đấy ra khỏi tâm trí, với mối dày vò của người thua cuộc, chính H. đã khiến mình phải tìm đến những ca từ của Gravity để nguôi ngoai đi những ý nghĩ tiêu cực chất đống trong tâm can. Suy cho cùng, có lẽ mình nên kéo dài hạn định 8 tháng ra thêm một chút nữa. Chỉ một chút nữa thôi.

Mình có một cơ hội để gây hấn với người khác, và mình đã tận dụng nó. Mình cảm thấy xấu hổ liền sau đấy, nhưng chuyện đã không thể cứu vãn. Vì thế, mình chuyển sang việc nghĩ về thời tiết và vài thứ phù du như một cách để lảng tránh tội lỗi.

Thời tiết năm nay khá kỳ quặc, nhưng lại phù hợp với sự bất ổn của toàn cầu trên mọi khía cạnh. Qua mỗi năm, mùa đông, giống như một vận động viên điền kinh ngày càng luống tuổi, chẳng còn được trợ cấp theo lối trọng vọng nữa, nhưng vẫn cố miên mải trên những chặng đường vươn tới thành phố nơi mình đương sinh sống – Hà Nội, ừ thì, nó vẫn đến được đích, vẫn khiến cho nhân dân Hà Nội phải than thở mỗi khi giá lạnh sà xuống trong đêm, nhưng mình cảm tưởng rằng nó sẽ chẳng bao giờ có được những cú cán đích huy hoàng như những năm xưa cũ. Âu cũng là thế, chẳng ai giữ mãi được vinh quang. Nhưng vinh quang lại là một thứ đẹp đẽ mà ai cũng muốn giữ. Giống như những hành tinh chẳng thể nào quay mãi. Tính tình mỗi đứa cũng khác, có đứa quay nhanh, có đứa quay chậm. Nhưng nội tại thì cái sự quay nó vốn là một thứ vô cùng đẹp đẽ, nên tất thảy, thì hành tinh nào cũng muốn quay, chúng quay quanh Mặt Trời, và quay cả quanh chính chúng nó.

Mình đang định lấy bối cảnh ở San Marino nằm gọn lỏn trong lòng nước Ý làm nơi kết thúc Đ. T. H. Và, cho dù vùng đấy ít được mùa đông ưu ái như những xứ khác thuộc vùng núi Alps, thì mình vẫn muốn nhấn chìm nó trong cơn mưa tuyết dữ dội và lạnh giá nhất mà mình biết. Mình muốn để H. trơ trọi ở đấy. Nàng sẽ đóng vai một bóng đen ma quái trên nền tuyết trắng, cứ khi đêm đến lại thảng thốt gào rú, vang thứ âm thanh não nề trần thế ra tới tận bờ biển Adria, từ sâu thẳm bên trong lòng ngọn tháp canh Cesta đã rúm ró và khô mục bởi thời gian. Mình sẽ hòa bình minh với đêm đen lại làm một. Tiếp theo, mình sẽ vặn dòng chảy của nhiệt kế xuống đúng âm 12 độ Celcius. Rồi thì, tất cả những việc mình cần làm chỉ còn gói gọn bởi hai chữ chờ đợi. Mình không biết mọi thứ sắp đặt sẽ đi đến đâu. Nhưng được cái là mình sẽ không dừng lại bây giờ.

 

CẢM HỨNG VÔ CỰC DỌC (H.I.)

 

Sáng. Dậy. Có một khoảng im ắng. Rồi tâm trí chan chứa suy nghĩ. Toàn ý tứ không đâu, chúng chảy vội vào một cái hồ. Cái hồ rộng ra. Đoàn lữ khách càng lúc càng nhỏ tý lại. Dần thì bé tin hít đến nỗi trôi tụt qua đầu xỏ chỉ của một cây kim khâu cỡ số chín.

Những ngày mới vẫn cứ nối tiếp nhau xuất hiện, giống như con mắt cứ chớp nhắm chớp mở liên hoàn. Thời gian là thế, chưa bao giờ biết mệt mỏi, đều đặn chạy những vòng quay, răm rắp miệt mài suốt năm này tháng khác. Bên cửa sổ; ngoài kia, cả khối nắng ban mai vừa kịp tỉnh giấc, bắt đầu tưới ánh vàng kim dài lê thê lên từng cái nóc nhà một. Chảo trăng sáng lóe đêm qua, đâu, đã biến mất hẳn, chẳng còn lại lấy bất cứ dấu vết nào. Những con cú đã thôi ‘cờ-rúc, cờ-rúc’ từ khỉ khi không biết, hoàn toàn kỹ càng lẩn tịt mặt trong các lỗ đen vũ trụ được giấu kín sau bức màn mây và làn da trời căng phồng cơn giông tố rồi chắc sẽ sớm đến trong tuần; chỉ có mỗi đám cành lá mảnh mai đâm xiên vào khung cửa sổ là bỗng dưng rạng rỡ cõi lòng, khấp khởi xanh rì rung rinh đón gió sớm.

Những cơn gió thôi thì cũng chỉ tạt qua mấy chốc, sau, chúng đi khuất, tất cả lại trở về với yên lặng.

Tôi nhớ những con phố. Tôi nhớ những khuôn mặt. Tôi nhớ những dãy nhà mái bằng đầy dây phơi, đầy kẹp áo, nhớ những chậu cây tua tủa cỏ mai; nhớ những mốc meo và rêu đen cháy khét lét bám kín lấy dãy gạch trơ vữa được sắp sẵn thành bờ tường của một căn nhà cấp bốn nhỏ nhắn, hoang chát vị xưa. Bóng nắng bỗng lên quá đỗi, và tôi không thể ngờ rằng cái sự đói nó có thể réo rắt tâm hồn con người lạ lùng là thế. Tôi đâu biết những đứa trẻ lang thang chúng sẽ thế nào; khi không có gì để bỏ bụng, chúng ứa ra hàng dài nước miếng ngay từ ngoài này, ngay lúc trông vô cửa tiệm người ta đang bán những đụn xôi nóng hổi, thơm ngào ngạt mùi mỡ lợn xối chảy dài như mật, và mùi vò đỗ xanh xay mịn, nắm chim, thái lát mỏng y chang mấy tờ vé số. Nhưng, thì, chúng chỉ im thít đó đứng coi thôi; một lúc; chúng nuốt tất cả mọi thèm muốn đầy đặn khổ sở vào trong cái bình chứa ọt ẹt chúng ôm chặt dưới lớp áo phông bẩn, phần nhiều rìa áo đã bị bung chỉ hoặc tơ sợi. Một lúc. Chúng như lay lắt với những chiếc rổ nhựa xếp đầy đủ mọi chủng loại sing-gum thơm miệng, mấy bao thuốc lá và những chiếc bật lửa bên góc đường; một lúc, có đứa lại thẩn thơ chơi đùa với bầy chim sâu chốc chốc lại sà từ hàng cây nào đó xuống dưới đất mổ những mẩu vụn rơi lại từ những chiếc bánh mì chẳng hề có tý thịt nào mà tất cả lũ chúng nó đang ăn. Bọn trẻ đẹp trai, da không rám nắng, chỉ bị đen vì mồ hôi, vì bụi đất và vì cái sự nước non tắm táp. Nhưng thật sự thì trông chúng tội nghiệp, khi chúng khiến cho người ta cứ phải luôn nghĩ rằng góc đường nhỏ bé ấy sẽ là ngôi nhà đời đời vận kiếp của chúng. Tôi đưa cho chúng nửa chai nước La Vie, thứ duy nhất chúng thôi từ chối, để chúng uống trôi đống bột mì; một lúc. Khi tôi rời đi thì đám trẻ cũng đã bắt đầu chuyển sang trò chơi với bộ bài giắt từ đít quần một đứa. Tôi nhìn bọn chúng nó đứa nào đứa nấy nấc cụt, bỗng chốc sướng rên trọ trẹ hoài những từ ngữ lấp lánh niềm vui chẳng tài nào tôi hiểu nổi; một lúc; lần cuối. Tôi nhớ trời xanh. Tôi nhớ biển. Tôi bỏ quên đi những cặp mắt trẻ thơ,  bỏ quên đi những nụ cười con nít.

Tôi nhớ Clo-jie tha thiết và bồn chồn, xen lẫn thói đểu giả thường thấy, khi con người ta tự nhiên nhắc nhiều về nỗi nhớ. Tôi chạy đua với Mặt Trời tới tận bờ bên kia của tinh cầu Mặt Đất. Chú Trời ta thắng; với vẻ tươi rói, chú cười đắc chí nhảy ùm xuống biển vũ trụ xả hơi hồi sức, không lãng phí lấy bất cứ một giây phút nào bùi ngùi cho tôi cả; chú ta thực tình thỏa mãn. Tôi thua và cảm giác cay đắng; nó thật tồi tệ; nỗi thất vọng lộ rõ như kiểu ra sức bóp lấy bóp để cánh hoa cúc bằng ngón cái của bàn tay phải và ngón trỏ của bàn tay trái cho kỳ được mà lại chẳng được; là rất tồi tệ, thế, tôi đi nhảy; cũng đi nhảy, nhưng là nhảy xuống vực sâu. Tôi rơi thân xác xuống một thung lũng đầy những hạt vàng và chính nhờ có chúng mà tôi chẳng chết. Bọn hạt vàng lửng lơ, lơ lửng, lưng chừng vuốt ve bắp chân tôi mỗi bước tôi đi, và cả cổ tay tôi khi tôi cố mấy lần cúi xuống thử tóm lấy một đám, nhưng vì chúng biết cách luồn trốn qua khe kẽ ngón tay rất nhanh, nên thành thử tôi toàn tóm hụt. Chúng, chao ôi thì, có mùi căn bếp cũ của bà ngoại tôi nơi xóm Dầu, rất đậm; tôi không hiểu sao; là mùi của chiếc kiềng ba chân khi bị đám củi khô ngắc sùi bọt lửa hun cháy. Tôi thường đứng đó coi bà ngoại tôi nấu ăn cho bữa trưa, chỉ khi nào tôi sớm thua sạch đống bi ve của mình vào ban sáng và trên nhà chẳng có ai chơi, thì tôi lại chạy xuống bếp coi bà tất bật nấu nướng và để hửi mùi cả đống thức ăn thơm phức mùi hành; đủ loại. Tôi đứng bên chiếc rương gạo đặt trên nóc một cái bể vôi ở góc bếp mà ngóng nhìn các thanh củi từ to đến nhỏ biến mất hút vào trong lòng chiếc kiềng sắt, chỉ còn lại bụi tàn lép bép bay ra, và cảm xúc tựa hồ vô cùng thích thú. Rồi cả những mũi lửa ấm nóng và đôi chút điên rồ nữa chứ, chúng cào cấu những cái đáy nồi đen đặc, thỉnh thoảng bùng lên, đâm xiên lên thành nồi, khiến bồ hóng chảy ngược từ đít nồi lên tận nắp. Cứ thế, chúng biến ra một thứ sống động nhiệt thành, một ngọn nguồn mà từ đó lan tỏa biết bao mùi hương; mùi củi mục, mùi mùn cưa, mùi gỗ bào, mùi của những miếng thịt dày bì sôi trong mỡ, mùi của chiếc nồi gang, mùi của bàn tay bà, mùi đũa cả, mùi tường vỡ và mùi chiếc kiềng sắt; những thứ mùi nồng nàn của căn bếp cứ thế quện đi quện lại với nhau thành một vết dài trong dòng ký ức.

Bọn hạt vàng, chúng, kìa, cũng đang nhảy nhót như những ngọn lửa đỏ trong căn bếp cũ nay đã không còn. Hỡi ôi, chúng dường như bị phấn khích bởi hình dạng hai cái đầu gối của tôi hay sao ấy mà liên tục nhảy lên hòng va, chạm, húc, tông, rờ, bắt được vào hai đứa nó. Chúng nhảy lên từ lưng chừng không khí, mà không cần lấy một điểm tựa; như thể có một chiếc đệm hơi trong suốt hoặc vô hình cứ sóng sánh dập dềnh đưa đẩy chúng bắn lên từ bên dưới bằng thứ lực đàn hồi vô cùng dễ chịu; thật buồn cười. Sự phấn khích đó như một thứ tín hiệu mời gọi nhanh chóng lan tỏa ra khắp xung quanh. Bọn hạt vàng ở phía xa bắt đầu nô nức kéo tới. Chúng nhảy, tạo thành những cơn sóng nhẹ. Mỗi đợt, mỗi đám hạt vàng như thế tạo nên một lớp sóng, lớp này đuổi theo sau, chồm lên lớp khác; bọn hạt vàng này thuận theo đà nhảy lên trên bọn hạt vàng khác; những con sóng bé tý ban đầu gợi lăn tăn như mặt nước những đêm trăng tỏ dần biến thành những con sóng vừa vừa, rồi chúng trở nên lớn hơn nhiều khi đến được gần chỗ tôi đứng. Tôi, lúc ấy thì, như một hòn đảo hoang trơ trọi giữa biển trời mà tám phương bốn hướng đều có những đợt sóng là bọn hạt vàng ào ào xô tới. Bọn hạt đến sau lũ lượt chen lên bọn đến trước, đẩy hằng hà sa số bọn đến trước nữa xuống phía dưới, càng lúc càng sát hơn với mặt đất. Chính lúc ấy, tôi bắt đầu nghe thấy những tiếng lụp bụp nhỏ, kèm theo sau đó là những sợi ánh sáng leo lắt chui lên từ phía dưới lòng đất, xuyên qua những lớp hạt vàng bên trên và chui tọt vào vũ trụ. Rồi những tiếng lụp bụp trở nên rõ ràng hơn, chúng không chỉ đến từ dưới mặt đất mà còn xuất hiện ở trên không, ngay giữa những con sóng; không phải, chính xác là ở giữa những chỗ mà hai con sóng hạt vàng đến từ hai ngả va mạnh sườn vào nhau. Tiếng bụp nhỏ, tiếng bụp to, nổ rền như tiếng bắp rang bơ đang chiên trong lò vi-ba. Tôi thấy lần lượt bọn chúng: một hạt, hai hạt, …,  rồi nhiều hạt nữa, cả ở gần, cả ở xa, ở tít xa, bỗng nhiên khựng lại giữa dòng chuyển động của các con sóng, ngay giữa không trung, liền đó thì tự biến đổi. Bọn hạt vàng ấy, chúng rung nhẹ, trương mọng lên từng khắc một rồi phát sáng y như bụng của con đom đóm; rồi khi bọn nó to đến cỡ hạt sen và rung lắc dữ dội nhất thì nhất loạt nở bung ra, những sợi sáng giấu kín bên trong văng đi kéo thành những vệt sáng lóa, gấp khúc trắc trở như sọc chớp nhá hình trên nền trời đen kịt lúc đêm giông. Một, hai giây sau,  bọn sợi sáng ấy thay phiên, nối tiếp nhau tót phát nhảy ngược lên phía tầng không, từng mét, từng ki-lô-mét, rồi hàng trăm ki-lô-mét, thậm chí hơn nữa, hàng trăm nghìn ki-lô-mét. Mục tiêu của chúng, phía cao trên kia, thôi, đã quá rõ. Chúng thực tình muốn vươn tới những ngôi sao xa xăm cách Mặt Đất đến cả triệu năm ánh sáng trong biển vũ trụ tăm tối kia ư. Tôi bàng hoàng bởi cảnh tượng kì ảo đó, bàng hoàng bởi những ước vọng của bọn hạt vàng sau khi, có thể là thế chăng, chết đi ấy. Bọn hạt vàng, chúng chẳng ngần ngại chạy đến, đuổi theo niềm đam mê nhất thời, dù cho có phải, ừ, tôi sẽ gọi nó là, hy sinh. Và dù cho có phải hy sinh, chúng cũng không hẳn thất bại. Chúng chỉ là không ngừng di chuyển. Chúng luôn có một cái gì đấy để theo đuổi, lúc này hay lúc khác. Chúng cũng đi nhảy, thế, nhưng sẽ nhảy đến nơi trái tim cùng tình yêu của chúng tồn tại.

Hân bỏ chiếc túi xách lên bàn ở một vị trí hơi xa với chỗ ngồi, và nhờ Rem pha cho em một cốc sô-đa lạnh; em nhìn quanh, rồi quay lại đáp lấy ánh mắt gợi chuyện của Rem với một nụ cười chết khát. Không khí hội quán hôm nay khá trầm tư và, chút gì đó u uất; theo lịch thì là đến buổi của S., nhưng cậu ta từ hôm trước đã phủ quyết quyền chủ trì mọi hoạt động, vậy nên mọi người quay qua làm những việc thường ngày còn dang dở; ai cũng chú tâm hết sức với tác phẩm của mình nên chẳng nói lời nào với nhau suốt hai tiếng rồi. Những khối suy nghĩ chất chứa sáng tạo đam mê cũng vì thế mà được sản sinh ra không ngừng, bao trùm lên khắp các góc tường và cả sảnh ‘sân khấu’. Riêng tôi thì lại thu lu ở cái chỗ một bên là chậu hoa mười giờ, hiện tại chỉ toàn cỏ lác sinh sôi, còn bên kia tất nhiên sẽ có một chiếc bàn nhỏ, để đọc báo. Chẳng phải là tôi muốn dò xem mấy bài viết đã gửi lâu lắc của tôi có được đăng không, mà chỉ thuần túy coi tin tức. Tôi đọc qua hết tất cả những trang báo cũ, cách đây mấy tuần, rồi thậm chí là hằng tháng trước, nhưng không có lấy một mẩu tin nào tôi muốn thấy. Cả một năm qua thú thực tôi ít xem báo hay các kênh truyền hình, nhưng chí ít cái tin tôi muốn thấy, nếu mà có, chắc chắn nó phải là một tin giật gân sẽ khiến mọi người bàn tán không ngơi; hiển nhiên, tôi cũng sẽ không bỏ sót thông tin nào như thế. Vậy mà… Tôi đang mải nghĩ vài thứ liên quan đến Franky, thì Hân tới đặt cuốn Vietnamese Costumes through the Ages xuống mặt bàn. Tôi nhìn lên thì chỉ kịp thấy em nhún vai một cái rồi bước trở lại chỗ quầy bar. Định nói với theo câu cảm ơn em đã cho mượn mà lại thôi, tôi cầm quyển sách lên, giở lấy vài trang, ngắm nghía những bộ trang phục từ xa xưa tới thời cận đại của người dân mọi miền trên đất nước mình. Hình ảnh của chúng trong sách đa phần sắc nét, kèm mô tả chi tiết chất liệu, đường may, đôi khi có bổ sung ý nghĩa hoặc diễn giải một vài dữ kiện văn hóa lịch sử gắn theo làm tôi phút chốc trở nên hứng khởi mà quên mất đi những ám ảnh giết chóc tồn tại trong đầu lúc nãy. S. hình như đang để ý tôi, nhưng khi tôi quay sang thì cậu ta lại cắm cúi viết. Có một cuộc gọi đến hội quán, chiếc Oa-phen 48 đời cổ lỗ sĩ của Đức đặt ở góc trái trên mặt quầy bar kêu leng reng náo động mấy hồi liền không dứt; thường thì nhóm chúng tôi chẳng bao giờ ngóng chờ bất cứ cuộc gọi nào đến đây cả: chiếc Oa-phen ấy chuyên dùng để gọi đi, chuông chỉ đổ vào những lần Rem hoặc M. gọi thử để kiểm tra một cách máy móc rằng chiếc điện thoại hẳn vẫn hoạt động ngon lành; và theo truyền thuyết tôi được nghe kể, lần đổ chuông có nghĩa duy nhất mà nó thực hiện thành công đã xảy ra cũng lâu lắm rồi; đó là khi tay cung cấp rượu đời đầu tiên cho quầy bar gọi đến để giới thiệu một loại rượu mới từ Phần Lan mà gã đó vừa kiếm được nguồn cung và bắt đầu đứng ra phân phối. Có thể đây sẽ là lần có ý nghĩa thứ hai chăng; anh chủ xị của hội quán tên M. phải đợi đến hồi chuông thứ sáu mới chạy ra bốc máy chào hỏi, trong khi vẫn đeo nguyên đôi găng tay nặn tượng, nhưng rồi đầu dây bên kia chẳng lên tiếng. Được một lúc thì M. cúp máy và lầm rầm ra vẻ bực mình trên suốt quãng đường quay lại đằng ‘đảo dừa’. Chẵn mười phút sau, chiếc Oa-phen lại leng reng âm sắc của tiếng chuông điện đã han gỉ bởi không khí ẩm thấp từ đợt xuân thì đầu năm. Tiếng chuông đôi phần bất chợt khiến ngay cả Hân cũng phải nhíu mày. Lần này chuông reo đến lần thứ hai thì Rem đã bắt nghe luôn, giả tiếng “A-lô” tò mò và bình thản. “Ha-lô…”. “Alors?”. “Moshi-moshi!”. “Chịu”, Rem hắng giọng hồi đáp cho Hân, tôi, và S. biết sự tình; tôi cũng nghĩ là sẽ lại vậy thôi; Rem bỏ ống thoại đặt cái cạch về vị trí cũ, kèm một tiếng ‘tinh’ rất nhỏ ngân theo. Từ lúc đấy, tôi cứ nghĩ tiếng chuông sẽ tịt hẳn, thì cho gần đến giữa trưa, đợi ngay lúc P. rời khỏi ‘xưởng bạc’, chiếc Oa-phen-sờ-prếc-sơ đời mã 48 của cụ cố Hít-le tiếp tục réo vang lần thứ ba. P. vừa khép xong cánh cửa, bất chợt hoảng hồn vì thấy mọi ánh mắt đều đang đổ dồn như tưới keo dán vào mình:

“Sao cơ?”.

P. cúi xuống chỉnh lại nếp chân váy bị cuộn lên tý chút.

“…!?. À,”, sau thoáng chốc vẫn băn khoăn, P. như sực hiểu ra điều gì, bước đến góc quầy bar đưa tay chuẩn bị nhấc ống nghe lên. “…, này, các vị thật quá đáng đấy nhé. Tay vẫn còn run này.”.

“A lô, Hội quán Rívièr xin nghe.”

“Vâng”. “Franky sao?”. “Được rồi. Chờ chút nhé anh.”.

“Đây. Có một nàng Franky nào đó đang chờ. Mà cô ấy lại chẳng biết tên người muốn gặp là ai, lạ thật, có anh nào muốn tâm tình với Franky không em làm mối cho nè.”, P. cười bông lơn với cả nhóm, xong quay qua Hân nháy mắt ra vẻ ám hiệu, rồi đưa ống nghe hướng ra phía đó, như thể cuộc gọi là cho Hân vậy.

“Không. Là của anh.”, tôi đành lên tiếng trước khi Hân miễn cưỡng bỏ cốc sô-đa xuống. Nó gọi đến đây ư. “Là Franky hả?”.

“… Thật đó?”, P. ra chừng ngạc nhiên, tuy có hơi xuôi xị và giả vờ tỏ nghi ngờ nhưng vẫn đưa ống nghe cho tôi. Có lẽ đúng là thằng Franky đã bảo nó không biết tên người muốn gặp. Thế cũng phải. Mà sao vẫn xưng cái tên cúng cơm Franky với người khác, chắc chắn còn thể hiện bằng chất giọng bỡn cợt như dầu lanh, hoặc cay buốt và sâu hoắm giống một cái hang băng ở Kỷ Đệ Tam đặc trưng nữa, nó không hề mà cũng chưa bao giờ ‘phải’ lo đến việc rồi người ta sẽ nhận ra mình thì phải. Nghĩ đến đấy, tôi tự dằn lòng đừng có mà cảm thấy sợ hãi thêm chút nào nữa trước khi nói hay nghe thấy bất kỳ điều gì trong chục giây kế tiếp.

 

IJKL

 

Dong mắt qua giò hoa tử đinh hương tím ngắt, phía bên kia lớp cửa kính là cả thành phố yên bình và có nắng nhẹ. 9h sáng, nhìn xuống dưới, gió không ngừng thổi, xao xác từng cành cây cụm lá, chỗ thì xanh thăm thẳm, chỗ lại mơn mởn những khóm chồi xanh non ngơ ngác. Trời ơi, chẳng phải con người ta cảm thấy đau khổ nhất chính là khi bị người khác đấm cho gãy mũi hay sao. Tuy thực sự nó không hẳn là gãy (nếu ám chỉ về khía cạnh xương xẩu), mà chỉ là một chút sự sai lệch của các mô sụn khiến cho hình dạng sống mũi nghuệch ngoạc, bớt thẳng thớm hơn nhiều so với lúc bình thường thôi. Nhưng mà cái dị tật ấy sẽ đeo đuổi số phận ta đến hết cái cuộc đời này. Hết cái cuộc đời này cơ đấy. Nhìn vào khuôn mặt phản chiếu phần nào qua tấm kính trong, vết gãy hằn lên nỗi sợ hãi, dù nhỏ nhoi – có lẽ khoảng một phần nghìn giây – thoáng hiền hiện lên tấm màn vô thanh của ký ức. Hơi thở tù túng phả đọng trên bề mặt kính, khiến cảnh vật trở nên trắng xóa, khô tanh, mờ ảo. Đẩy chiếc cửa sổ trượt sang bên; một cơn gió mạnh và buốt giá thốc thẳng vào phòng, làm tung bay rèm treo. Tôi lò dò thòng hai chân qua thành cửa, rồi cứ thế bám mình ngồi đó vắt vẻo trông chờ điều kỳ diệu của mùa xuân.

 

Đám người đứng dàn ngang đằng sau dãy lưới sắt đan mắt cáo là một đám chết rồi. Họ lặng im và dường như không còn hồn phách; như thể họ đang đứng lơ lửng ở giữa thinh không, giữa trời và đất, rồi bỗng chốc tâm trí ngắt phụt, để mặc thân xác cứ thế bị mặt đất hút xuống dưới một cách bạo liệt. Họ chờ một tiếng “Bịch!” gọn ghẽ vang lên. Cú húc tàn khốc vào lớp sỏi đá cứng ngắc sẽ khiến họ lìa đời ngay trong khoảnh khắc. Không có lấy một ai cảm thương cho họ cả. Ở bất cứ nơi nào chiến trận diễn ra. Vận mệnh con người rồi lại thành muối bỏ bể.

 

Tết và sau đó là chuỗi ngày tháng thường nhật chòng chành sóng sánh. Mọi thứ đến quá nhanh và đi cũng thật quá nhanh. Những bộ phim không dàn dựng. Không chịu chi phối bởi bất cứ tay đạo diễn nào. Cứ thế chiếu. Mọi người hòa trong cái nhịp diễn vô thường đó nhưng đều không biết là mình đang diễn. Họ diễn không có sự chỉ dẫn, không phân cảnh, không nhận biết được đâu là góc máy đẹp, rất nhiều cung bậc cảm xúc, vô cùng tự nhiên, mà phần nhiều thô tục. Nhưng trên hết, bất ngờ là họ lại đang diễn theo những kịch bản đã có sẵn. Cứ như là họ biết nó, sâu trong tiềm thức. Những mô-típ xã hội kinh điển mang đặc điểm giống nòi – ý ở đây hẳn là ám chỉ về cuộc sống bầy đàn của lũ khỉ rừng, lũ tinh tinh, lũ vượn; xa xôi hơn là lũ ngựa vằn, lũ cầy hương và lũ hổ đói – được họ kế thừa từ trong trứng nước, đẩy họ vào chuyến du hành xuyên thời gian từ lúc còn là đứa trẻ sơ sinh được bồng bế, được âu yếm rất mực; cho đến khi lẻ loi đơn độc tuổi già. Tôi cũng đã diễn. Được chừng ấy cuộc đời, cho đến lúc tôi 22 tuổi thì tôi biết là mình đã diễn. Lang thang phố khuya, những góc xó xỉnh, lúc 22 tuổi, chỉ có tiếng chân bước nối tiếp tiếng chân bước, cuộc đời chưa định hình, tâm trí mới chỉ dấy lên mơ hồ một nỗi ám ảnh mang tên Kafka và con Quạ, những cơn mưa cá và đỉa, một ông lão mèo (mà sau này tôi liên tục quên và nhớ nhầm tên thành Ushikawa – một kẻ chết trôi dị hợm ở “1Q84”), và gã đại tá Sanders dẩm dít gà quay hay mì xào bò gì đấy. Lúc tôi 22 tuổi, chỉ còn vỏn vẹn hai ngày nữa là hết năm, khi mọi người đã chuẩn bị được khá nhiều thứ cho năm mới sắp sang, cho đêm giao thừa, huyên thuyên hết trong nhà ra đầu xóm, thì tôi quyết định đánh liều đi bộ một vòng.

 

Tôi đi bộ đến lúc 24 tuổi thì trở về với thực tại. Hà Nội chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ đẹp nhất về đêm. Hà Nội chỉ đẹp nhất khi con người ta cảm thấy trống vắng trong lòng. Khi con người ta không còn ai để nghĩ về nữa; khi tôi bỗng dưng tìm ra được chân lý là bản thân mình hoàn toàn có thể điều khiển được đôi chân của tôi đi về/hướng đến bất cứ nơi nào mà tôi muốn. Khi đó, tôi bắt đầu diễn cho mọi người nhìn. Tôi diễn và soi xét mọi phản ứng nếu có của họ. Giống như việc theo dõi một cách chăm chú, ngưỡng mộ, không chút dè chừng những phương trình hóa học mà được trình diễn thực nghiệm ngay tận sát mắt. Nó hồi hộp, ẩn chứa bất ngờ và đau đớn y như khi tôi vô tình thở mạnh vào một đám ni-tơ tri-i-ốt-đít để rồi bị bay mất cái chóp mũi của mình ngay sau đó vậy..

 

Vào một buổi chiều nắng đơm ngoài bậc cửa, tôi bảo Hân: “Em có biết là em đẹp lắm không hử Hân?”. Nhưng có vẻ lời nói đó không khiến em quan tâm cho lắm; em chẳng đáp lại, mà hình như cũng có thì phải, em có mấp máy môi rì rào mấy từ ngữ lẫn vào tiếng gió trào qua khe cửa sổ không đóng chặt, đúng vào khoảnh khắc tôi hết kiên nhẫn chờ đợi câu tiếp chuyện của em mà ngoảnh mặt đi, thế nên là tôi chẳng nghe rõ hay lưu tâm gì cả. Hình ảnh khuôn mặt em đang đau đáu với những đường cọ dài, chốc chốc cứ thập thò lấp lánh sau chiếc giá vẽ cũng chỉ vội sượt qua ý nghĩ nào đó của tôi rồi biến mất. Thực ra bất kể khi nào em bộc lộ niềm say mê của mình; khi em ăn, khi em uống, khi em đứng trên vỉa hè, khi em chỉnh từng ly váy cho khoảng cách giữa chúng đạt độ hoàn hảo mới thôi, khi em khắc họa người ta trên lớp giấy can-sông âm ẩm toàn là màu bùn đất với màu than đá, còn tóc họ thì có màu như thứ tảo đỏ chết trên những rặng san hô ngoài biển ấm, khi em chìm vào một bức ảnh phim ố màu thời gian; thì em trở nên tuyệt đẹp hơn hết thảy. “Hân, chứ em tự thấy mình đẹp nhất ở điểm gì?”. “Là tâm hồn anh ạ.”. Nắng cứ ngả đều ra khắp sân trường, đổ lên cột đá. Tôi rời bậc thềm đi dạo với lon nước đã thôi sủi tăm trên tay. Hân đang mải tìm tuýp màu nước đâu đấy; còn tôi thì chợt thấy chán ghét mình da diết.

 

Bên cạnh thế giới tôi sống và tôi biết, là những thế giới tôi không biết và những thế giới tôi quên khuấy. Tôi xuống xe, gác chân chống. Chẳng thể nhịn hơn. Đám hoa xuyến chi bên đường trở thành nơi tòm tem công cộng bất đắc dĩ của tôi. Trong lúc tôi thả ga thì mấy cánh bướm trắng vẫn dập dờn chẳng biết sợ. Tôi để ý đến chúng từ nãy kể từ khi rẽ vào lối này, tôi cứ nghĩ chúng đã tuyệt chủng từ thời xửa xưa. Nhưng rốt cuộc chỉ là thế giới thành phố đã mất dần đi nhiều thứ mà thôi. Tôi ngồi bệt lên thành cầu, có con rạch nhỏ lắt léo dẫn nước bên dưới, ăn bánh quy tẩm đường tôi mang theo trong ba-lô và uống một ngụm nước nhỏ. Tôi chẳng biết nói gì về đám trẻ con hồ hởi đã đón chào mình ở đầu chỗ ngoặt rồi. Lũ nhóc tỳ tưởng tôi là người ngoại quốc gì đó, cứ xí xớn ra đập, bám tay, “hi.”, “hello, how you.” đủ kiểu. Có đứa con gái còn trịnh trọng “good morning vietnam” khiến tôi ngẩn ngơ mãi đến tận ráng chiều. Tôi lấy sổ, bút, kiếm một trang trắng, vẽ ra hình lá cờ. Tôi họa duy nhất một hình tròn trên lá cờ, rồi sột soạt tô gần kín nó bằng nước mực Iroshizuku thần thánh của mình. Tôi giơ ra trước mặt chúng, ‘điềm đạm’ nói, “the sun. Sun”, tôi chỉ; tôi còn trỏ ngược lại cả mặt trời đang treo như quả đèn nê-ông sáng chói trên kia: “sun”. “Japan. I’m. japan.”. Tôi vừa gắng nói, vừa nguệch ngoạc thêm dòng chữ y thế dưới lá cờ; sau rốt khi hoàn thành thì tươi cười giựt trang giấy ra khỏi phần gáy lò xo và đưa cho đứa lớn nhất ở đấy: “good morning vietnam”. Tôi chỉ tiếc mình đã không có bịch kẹo nào.. Tôi tư lự một mình dưới nắng chiều chói chang, chuyển hướng băn khoăn ngẫm nghĩ không biết khi nào làng quê Việt Nam sẽ không còn những lứa trẻ con da ngăm, loắt choắt, mắt láy như hột nhãn ấy nữa. Chúng sẽ ra sao và trở thành gì khi lớn lên. Những ngày sau này, chúng có như bố mẹ, anh chị chúng, tiếp tục ném đầy những túi ni-lông rác ra bờ nước này nữa không? Thế giới làng quê rồi sẽ chất đầy những bãi rác thải dân sinh. Tôi hớp nốt một ngụm nước to, vặn chặt lại nắp bình, gá vào gióng xe dưới..

 

NGỒI NGƯỢC SÁNG

 

Ảo ảnh và thơ mộng. Bạn bị làn khói ấy làm choáng thị giác. Lóa. Những khối đen. Những cái miệng. Những cái bóng đổ dồn về đây. Những cử chỉ như chim chích chuyền cành. Những cành cây kiểng không hoa. Phía sau, những chiếc ghế ôm lưng. Phía trên, tóc lơ phơ. Phía trong, vô vàn là tình thương trìu mến. Mặt bàn, phê phủng nổi bọt. Dưới chân, mặt trời rơi bay tí tách. Cái đám đông ngược sáng ấy. Trẻ. Bầy đàn. Lạ. Có đôi chút đồi trụy. Thật ra là rất đồi trụy. Nhưng mà đồi trụy nó cũng đã thành một phần của cuộc sống, từ lâu lắm rồi; ở cái đất nước phương Đông hàng ngày vẫn lục đục tiếng búa nhà ai vang vọng này. Khi bữa sáng đã xong, nắng hửng lên muộn mằn, thì cho tới tận trưa, mọi người vẫn không ngừng í ới nhau tìm một chỗ sưởi ấm trong tiết trời lạnh buốt. Những nan quạt nhanh chóng xòe ra phố, chắn lối bộ hành. Lòng đường vi vút bánh xe, vi vút tay lái. Nắng chiếu xiên. Cọng cây bé tí teo. Chẳng thể chắn nổi. Những mái đầu nhấp nhô. Rồi chúng thôi nhấp nhô. Chúng thôi mất nhịp điệu tung tẩy tươi tắn nảy nở trong mắt người ta. Thay vào đó chúng chỉ đung đưa nhẹ nhàng hiền dịu (mà nhẹ nhàng hiền dịu thì thật là buồn chán cho hơi thở). Rồi dần dà, chúng tan quấy vào nhau thành một tấm rèm khô khan, nặng trịch rũ bên cửa sổ mùa hè lúc sáng sớm tinh mơ mờ mờ. Chúng chiếm lấy nguồn sáng rồi trả lại phía đằng đó bóng tối. Bạn nhìn vào chúng, thấy đen kịt. Ấy vậy mà, thôi thôi chỉ lệch một tẹo chút thôi thôi, tim bạn bị chói, tâm hồn nhức nhối, và miệng bạn nhăn nheo lẩm nhẩm câu cửa miệng. Đồi trụy.

Ngắm nhìn mọi người sống. Ở bất cứ đâu. Cũng trào lên một cảm xúc. Một câu chuyện muốn kể. Thành phố đông quá. Đi vài bước là đã chẳng còn quen ai. Những con người trước mặt. Những con người sau lưng. Mờ nhạt tráng rọi thành những tấm hình đen, trắng. Rất nhanh lướt qua miền nào đó của ký ức.

Số phận chúng ta thật nhỏ bé, phải không Hân? .. Trời đã hết những ngày mưa dai dẳng. Hân, hôm nay nắng. Vui mắt và không khí chẳng còn lạnh. Chiều chủ nhật. Những chuyến xe tỉnh, phả bụi khói trên quốc lộ. Khách bắt xe đứng tụm chỗ này chỗ kia. Hành lý là chiếc ba-lô đeo lưng hoặc túi kiểu thể thao xách tay. Họ dựa vào dãy rào chắn ngăn cách con đường với đồng lúa xanh xanh và dải đường sắt tít tắp. Những miếng mít thơm hương nắng, vàng ươm. Những thùng xốp bánh mỳ bọc trong chăn ấm, tía đỏ hoặc xanh bà ba có điểm những bông thược dược tươi rói, cứ ba bốn nhịp rào chắn lại có. Thơm ngậy, ấm nóng hôi hổi. Những người phụ nữ đã mấy lần con cái, đội nón, chít khăn, hoan hỉ ánh mắt nghe tiếng xe dừng bánh. Những chồng ổi vừa buông cây dậy mùi rốp ráp, tròn trĩnh trong nắm tay ôm. Chúng lộn vòng vòng giữa người bán, người mua. Đôi khi chúng được người ta lột vỏ và đưa lên miệng cắn để thưởng thức ngay luôn cái vị chát chúa của ổi xanh còn sượng. Những hình ảnh đó – Tất cả đều thật đẹp.

Giản đơn và hài hòa. Con đường nhỏ nhắn chảy ngược từ cổng vào sâu bên trong làng. Những ngôi nhà thấp, mái bằng. Lùm cây xum xuê lấp đầy khoảng không phía trên những bờ tường không quét vôi, không có những con số. Trẻ con chơi đùa, đạp xe và ăn ngô nướng chuyền tay. Chúng có nhiều nét màu sắc phảng phất bối cảnh những năm 90 của lũ trẻ thành phố. Chúng cười, răng trắng bóc. Chiếc ao làng rộng, xanh rêu và đầy bèo tấm dạt bám quanh mé cầu ao. Có người đang quăng cần kiếm cá. Một con mương với làn nước tĩnh lặng. Một cụ ông hứng khởi đạp xe qua năm cái xã để đi thăm bạn già. Một chiếc xe máy phóng nhanh chẳng thèm để ý. Một chiếc công nông đi ngược chầm chậm nhấn nhá ục ục. Con đường dài. Đi miết rồi đến chợ. Chợ họp ngay hai bên đường cái. Huyên náo. Tay gà, tay vịt. Chậu cá. Hàng rau. Quầy lợn, quầy bò. Người xách, nách mang. Người tay nải, chần chừ gợi giá. Chẳng ai ngơi tay. Chẳng ai kín miệng. Mọi người ở đây thấy mặt nhau là đã kháo lên đủ thứ chuyện rồi, bằng cả cử chỉ lần tiếng nói ồn ã. Chợ phiên, ngày chiều. Không ai vội. Người ta vốn có nhiều mơ mộng, chỉ vừa kịp lúc này để thỏa ra trước khi nhóm lửa cho bữa tối mà thôi.

Hân. Chẳng còn mấy nữa. Đợi một ngày chuyển mùa. Đợi Hà Nội lúc nắng lúc mưa đỏng đảnh y như con gái.

 

Trắng-Đen

A lost beauty

Nghiện Hân. Vì thế cũng nghiện luôn đen, trắng của Hân. Nó như một hệ quả rất đỗi đời thường. Hân và những miền màu đen, trắng hút hồn trên nước ảnh, đã khiến mình rơi vào một nhận thức khác về cuộc sống. Ở đó, mình thất bại.